Nền ẩm thực Malaysia là sự hòa quyện giữa nhiều dân tộc khác nhau nên nơi đây có các nghệ thuật chế biến món ăn vô cùng phong phú, đa dạng. Và nhắc tới đây, không thể không kể đến món bánh Kek Lapis Sarawak được lấy cảm hứng từ chiếc bánh ngọt Spit Cake của châu Âu và bánh ngàn lớp Sarawak.
Kek Lapis Sarawak giống như một kiệt tác nghệ thuật của ẩm thực Malaysia nói riêng và châu Á nói chung. Nguyên liệu làm bánh chủ yếu là bột mì, bơ, trứng như những nguyên liệu làm bánh thông thường khác.
Tuy nhiên, dưới bàn tay tài tình của người Malaysia đã kết hợp các nguyên liệu này với quế, đậu khấu, đinh hương, hoa hồi,... giúp tạo ra một chiếc bánh màu sắc phong phú trông như kính vạn hoa.
Quy trình làm bánh Kek Lapis Sarawak rất phức tạp với những lớp bánh nhiều màu sắc được sắp xếp tinh tế. Việc xếp bánh đòi hỏi người thợ phải có kỹ năng và tay nghề vững vàng. Đồng thời phải có cả sự kiên trì, bởi chỉ cần một sơ hở nhỏ cũng sẽ làm hỏng chiếc bánh.
Để làm được bánh, đầu tiên người thợ tiến hành nhồi bột trong các chảo sâu, mỗi lớp bánh nhồi ở một chảo khác nhau do phải đổ màu. Trung bình mỗi lớp bánh sẽ mất khoảng 10 phút cho việc nhồi và nướng. Công đoạn này được xem là dễ nhất trong quá trình làm bánh. Và khó nhất phải kể đến cách kết hợp các lớp vỏ bánh với nhau. Chất kết dính giữa các lớp vỏ bánh này chính là mứt hoặc sữa đặc có đường.
Do độ phức tạp cao lại tốn nhiều thời gian để làm và hoàn thiện bánh bằng tay nên Kek Lapis Sarawak được xem là một trong những chiếc bánh khó làm nhất đối với cả các đầu bếp chuyên nghiệp. Nó cũng là một món bánh tráng miệng đắt nhất Malaysia với giá lên đến 250 RM (khoảng 1,3 triệu đồng) cho mỗi chiếc bánh. Nguyên nhân khiến chiếc bánh trở nên đắt đỏ, ngoài công sức làm bánh thì nguyên liệu bơ (để tạo độ mịn) có giá khá đắt đỏ.
Trước đây, bánh Kek Lapis Sarawak chỉ được làm vào những ngày lễ lớn như hội mùa Gawai Dayak hay lễ kết thúc tháng ăn chay Hari Raya. Còn ngày nay, nó được bán quanh năm trong các dịp sinh nhật và đám cưới. Năm 2010, chính quyền bang Sarawak đã xem loại bánh này như một "di sản cần bảo vệ" và chỉ được làm trong bang.