13 giờ trưa, dưới cái nắng chói chang mặc dù không khí lạnh ùa về những ngày đầu xuân, tôi cùng một số cô bác và một vài đứa trẻ đứng đợi xe. Họ đùm đề với những rau, quả, thịt.. Và những thùng lớn được dán kĩ địa chỉ. Họ bàn tán về công việc chợ búa, rồi nhà cửa ở quê. Thật nhộn nhịp. Đâu đó, ở góc cột đường, một thanh niên đứng đeo tai phone nghe nhạc, lướt Facebook.
Bất chợt có người nhấc đồ lên làm ngã cái balo tôi tựa vào từ sớm đến giờ, báo hiệu rằng chiếc xe số 4 đã tới. Mọi người ai nấy ôm hết đồ đạc lên xe, chú phụ xe nhanh chóng đưa từng người vào, tìm chỗ ngồi ổn định. Chiếc xe khá đông, tôi bước lên một cách khó khăn với cái balo nặng chưa kịp mang hẳn và một túi đồ bự.
Từ phía đầu xe, ba người phụ nữ ngoắt tay gọi tôi lại, không ai bảo ai, mỗi người tự nhích ra một chút rồi chỉ tôi ngồi vào. Tôi nặng nề ôm cái túi, chợt xe phanh lại, tôi ngã vào ghế của một cặp anh chị đang ngủ, được hai người đỡ dậy, tôi tiếp tục đi tới phía những người phụ nữ lúc nãy. Nhưng chưa kịp tới, người phụ xe đã chỉ cho tôi một chỗ ngồi thoải mái, không chen lấn, và có thể để túi đồ ngay dưới chân. Tôi cảm ơn họ rồi yên vị ở chỗ của mình.
Ngồi bên ô cửa sổ, những tia nắng ấm áp chiếu vào, thoang thoảng chút gió lạnh, cảm giác thật tuyệt. Bỗng có tiếng xì xào, người phụ nữ phía đằng sau gọi to:"cô bé lúc nãy ngã đánh rơi bịch hạt dẻ này!!!" Tôi lò mò đứng dậy chạy xuống phía đấy, lật đật cảm ơn các cô, rồi đi về chỗ của mình. Người phụ nữ lúc nãy nhường ghế cho tôi bảo
Cháu mang quà về cho mẹ đấy à?
Chưa kịp trả lời thì người kế bên đã nói thêm: "Con gái vậy đó, di học xa về mấy cũng mua quà cho mẹ nó!"
Tôi cười bảo: "Dạ, cái này con mua cho em gái. Còn áo thì mua cho mẹ..."
Cô bật cười: "Vậy à, cháu ngoan thật đấy! Haha..."
Sau đó họ lại nói rôm rả với nhau, như những người thân vậy. Tôi nghe cô kia bảo: "Chị dân Tam Kỳ, sao ra Đà Nẵng làm gì cho cực vậy?"
Cô trả lời: "Các cụ tôi, sống ở đấy, rồi làm ăn ở đấy, mất cũng ở đấy. Rồi các ông các bà cũng vậy. Nên tôi cũng đành lòng nào mà bỏ đi xa xứ làm ăn đâu. Nhưng có khách quen rồi, bạn hàng ngoài này rồi, nên ra đây. Rồi tết lại về với con cháu...".Gió quyện với nắng làm tôi ngủ thiếp đi lúc nào không hay.
15 giờ, ông bác ngồi cạnh đánh thức tôi dậy. Bác bảo người ta thông báo sắp đến Hà Lam rồi. Tôi cặm cụi kéo chiếc túi đồ dưới chân lên, ôm vào người. Bác bảo cũng có một đứa con gái học đại học sư phạm toán, từng thi rớt phải học cao đẳng rồi thi lại đậu đúng ngành yêu thích. Bác còn bảo là, con trai lớn bác lại theo ngành văn, giờ đang là trung sĩ làm việc trong Tam Kỳ. Bác vẫn đang cày lưng ra nuôi 2 đứa ăn học.
Tôi thấy cảm phục con người đó, hẳn bác tự hào lắm, giọng bác có lẽ đã thể hiện điều đó. Lúc tôi sắp xuống xe bác còn bảo bác tuy ở Tam Kỳ nhưng giáp Bình Nam, trong huyện tôi... Tôi bước xuống xe, bước xuống mảnh đất thân thương này, chia tay những người ở lại. Chiếc xe lại lăn bánh, họ tiếp tục chặng đường của họ, về đoàn tụ với gia đình, giống như tôi. Một chuyến xe, nơi hội tụ của những người xa lạ, à không, những người cùng quê hương Quảng Nam, cùng một mục đích là về quê gia đình sum vầy.
Thăng Bình
Ngày 25 tháng Chạp năm Đinh Dậu
Cuộc thi viết "TẾT TRONG TÔI" do Báo điện tử Thiếu niên Tiền phong tổ chức (từ 5/2 đến 25/2) là nơi để độc giả chia sẻ, gửi gắm tâm tư, nỗi niềm của mình mỗi dịp Tết đến xuân về.
Tiêu đề ghi rõ: Bài dự thi “Tết trong tôi”.
- Họ tên:
- Địa chỉ:
- Điện thoại:
- Đường link Facebook:
- Bài dự thi có thể thể hiện dưới hình thức bằng văn xuôi tối đa 1000 chữ (có ảnh minh họa).
- Bài dự thi dạng ảnh: Tối thiểu 5 -7 ảnh, có kèm chú thích.
- Bài dự thi dạng video: Tối đa 3 phút, định dạng video mp4, kèm theo tiêu đề phản ánh nội dung câu chuyện.
- Một người có thể gửi nhiều tác phẩm dự thi (chỉ được nhận giải cho 1 tác phẩm)
- Viết bằng tiếng Việt, có dấu, không viết tắt, không sử dụng teencode...
Bài dự thi gửi về địa chỉ email: cuocthi@thieunien.vn.
Xem thể lệ cuộc thi chi tiết tại đây.