Gia đình chiêm chiếp

Chu Hải
TNTP - Ở thành phố, ngay từ nhỏ các bạn đã làm quen với nhiều đồ chơi đẹp, được đến thăm công viên, trung tâm giải trí với tàu lượn, ô tô, nhà bóng…

Còn chúng mình, sinh ra và lớn lên nơi thôn quê thanh bình, kỷ niệm tuổi thơ thường gắn với những người bạn đầu tiên thân thuộc như chú cún vàng, nàng miu miu hay một bầy gà lóc nhóc bên sân vườn…

Hôm nay, tớ sẽ kể cho các bạn nghe câu chuyện về “Gia đình chiêm chiếp” nhé.

Những “cuộn len” vàng óng

Tớ còn nhớ, ngày mái Mơ đẻ quả trứng đầu tiên, mẹ bảo: “Gà đẻ lứa đầu thường cách nhật, lại chưa quen ấp, trứng dễ ung. Lứa trứng này mẹ cho con bồi dưỡng”.

Ba ngày sau, tớ vẫn được ăn cơm với trứng ngon tuyệt. Nhưng ngày thứ tư thì không nghe mái Mơ cục tác nữa. Đợi cả tuần chả có dấu hiệu gì nên mẹ cho tớ ăn nốt quả trứng còn lại. Mẹ lẩm nhẩm: “Mấy ngày đầu đều đặn tưởng được con mái tốt. Vậy mà mới vài quả đã thôi rồi!”.

Bẵng đi một tháng, phía sau đống rơm, tớ bỗng nghe tiếng gà con chiêm chiếp. Vội vàng gọi: “Mẹ ới, mẹ ời”. Khi ra tới nơi, mẹ con tớ mới ngỡ ngàng: bên cô Mơ là đàn gà con đã nở, cái mỏ hồng hồng, đôi mắt như hai giọt mực và chiếc áo lông mềm mịn như cuộn len vàng óng. Còn hai quả trứng vẫn nằm im, cô Mơ gõ mỏ vào vết nứt nhỏ rối rít kêu “cục… cục” như thúc gọi hai con út ít chào đời.

Thì ra, cô mái Mơ “đáo để” đã biết đẻ trứng rồi giấu không thèm cục tác và âm thầm ấp trong ba tuần để quyết tâm bảo vệ lứa con của mình!

Tình mẹ bao la

Bầy gà con đã nháo nhác muốn đi chơi nhưng mái Mơ vẫn kiên nhẫn nằm lại cái ổ rơm và ủ ấm đợi hai con út chào đời. Thỉnh thoảng cô lấy mỏ khêu khêu vào kẽ nứt gọi là “bỏ mỏ” để nhắc nhở, khuyến khích các con mạnh mẽ chui ra khỏi vỏ trứng.

Tớ đã thấy lúc cái chân gà bé xíu cựa mạnh làm nứt đôi vỏ trứng. Rồi cái đầu be bé ngóc lên. Cả thân chú gà con lúc đầu còn ướt, lông bết lại. Nhưng gà mẹ rỉa lông, rỉa cánh một lúc là bộ lông khô ráo bông lên như nắm tơ mềm. Gà con run rẩy đứng lên, chỉ ít phút sau đã lò dò tập đi, tập chạy.

Mới đầu, tớ mang nắm cám với nắm gạo tấm rải một góc sân để cô Mơ dạy con nhặt thức ăn. Những ngày sau, gà con cứng cáp, mái Mơ dẫn đàn con ra vườn bới giun, rỉa lá rau. Luôn cần mẫn, dịu dàng với đàn con nhưng mái Mơ sẵn sàng xù lông trước anh cún Vện, chị mèo Mun nếu dám cả gan trêu chọc hay xua đuổi đàn con của mình.

Hôm ấy, trời đổ mưa sầm sập. Sau đống rơm, tớ thấy cô Mơ đang run rẩy nép mình xòe cánh như tấm lá chắn để che mưa cho cả bầy con đang chen chúc rúc gọn trong lòng mẹ ra chiều yên tâm và khoan khoái lắm.

Chiến binh gà trống

Về thâm niên, chàng trống Tía nhiều tuổi nhất và có thể coi là “Trưởng chuồng”.

Như có quy định ngầm, khi đêm chuyển canh, phải đợi Tía gióng một hồi dõng dạc, các anh trống khác mới bắt đầu phụ họa theo. Còn đến tang tảng sáng thì bao giờ cũng là tiếng gáy “ò…ó… o…” một hơi rất dài, rất vang của chàng khởi đầu cho dàn hợp xướng.

Trống Tía đặc biệt nhường nhịn khi kiếm ăn trong sân vườn. Với bàn chân to như chiếc chạc ba, cái mỏ cứng và nhọn như mỏ sắt, bới được giun, dế, Tía không ních đầy diều mà thường gọi các nàng gà mái, gà con đến chia phần.

Thành tích đáng nể của Tía là dạo chị mái đang ấp trứng bị rắn hổ mang tấn công. Nghe tiếng quang quác hốt hoảng của gà mái, trống Tía chạy bổ về. Trước cảnh hỗn chiến, chị mái xù lông nhảy dựng, anh Tía mào đỏ gay khéo léo né đòn rồi bổ liên tiếp như giáng búa tạ vào cổ, vào mắt con rắn khiến nó cắm đầu bỏ chạy.

Cuộc tiểu phẫu ngoạn mục

Dạo ấy, cả xóm nháo nhác vì đàn gà mắc bệnh. Ban đầu là biểu hiện đầy diều không tiêu. Rồi đến phân trắng, đi đứng run rẩy, lù rù. Sau nữa là mắt kèm nhèm, không đứng nổi.

“Cái khó ló cái khôn”, mẹ bảo, mẹ sẽ tự làm “thầy thuốc thú y”. Mẹ dùng con dao nhỏ (được khử trùng cẩn thận) mổ ngay dưới ức, phần diều của từng con. Sau khi vét hết bọc thức ăn không tiêu ra ngoài, mẹ nhét lại trong diều gà một ít cơm nóng ấm, mấy nhánh tỏi đã bóc vỏ rồi khâu lại bằng kim chỉ may. Xong cả lượt, hai mẹ con hì hụi dọn sạch chuồng, lót rơm ấm, pha chút muối loãng vừa nhỏ mắt vừa nhỏ mũi họng cho gà.

Thật kỳ lạ, đúng như mẹ nói “chó liền da, gà liền xương”, mấy hôm sau đàn gà nhà tớ khỏi bệnh. Khi mẹ mách phương pháp đặc biệt cho cả xóm, nhiều nhà làm theo và đã thành công.

Tớ ôm mẹ, ríu rít khen: “Mẹ đúng là thầy thuốc thú y giỏi nhât thế giới”. Mẹ cười bảo, nuôi con vật cũng giống con người, tất cả đều cần tình yêu thương, sự hiểu biết và nhiều khi là cả một chút… quyết đoán… hì… hì…”.

Sóc Nhỏ, Tiểu Hồng

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Gia đình chiêm chiếp tại chuyên mục Sáng Tác của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Chiếc giày lẻ

Lớp An có một bạn mới chuyển đến. Bạn ấy tên Tùng và nhà nghèo lắm. Hơn thế, Tùng chỉ ...

Dòng sông trong tim tôi

Dòng sông giống như dòng chảy của thời gian. Từ xa xưa, loài người đã có mối liên kết đặc ...

Bài Sáng Tác khác

Vị tướng đan sọt

- Mau tránh đường cho Đức Ông dẫn quân đi qua! Tay Phạm Ngũ Lão vẫn thoăn thoắt đan sọt, đầu nghĩ tới những chiến lược quân sự nên chàng không nghe thấy tiếng thét của quân lính.

Mùi của nắng

Nếu ai đó hỏi bạn: Mùi nắng có mùi gì? Bạn sẽ trả lời thế nào? Thật khó để nói rõ vì đây là một thứ mơ hồ không thể nói cho rõ. Mùi của nắng.

Tình yêu của bà

Mai được sinh ra ở đất nước xa xôi Hàn Quốc, 6 tháng tuổi về Việt Nam và từ đó dần lớn lên trong tình yêu của “người mẹ” mang tên BÀ NGOẠI.