Trong Điều 4, khoản 2 của Thông tư 29 có ghi rõ: "Giáo viên đang dạy học tại các nhà trường không được dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh đối với học sinh mà giáo viên đó đang được nhà trường phân công giảng dạy học theo kế hoạch giáo dục của nhà trường".
Bên cạnh đó, Thông tư cũng nhấn mạnh vấn đề các giáo viên trường công lập không được phép tham gia quản lý, điều hành việc dạy thêm ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường ở các trung tâm có đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật.
Như vậy, tình trạng các giáo viên dạy thêm cho chính học sinh đang trực tiếp giảng dạy sẽ vi phạm quy định mới của Bộ GD&ĐT. Giáo viên dạy thêm ở ngoài cần phải báo cáo Hiệu trưởng hoặc người đứng đầu của các cơ sở giáo dục; các cơ sở dạy thêm có trách nhiệm niêm yết danh sách người dạy thêm và mức thu tiền dạy thêm trước khi tuyển sinh các lớp dạy thêm, học thêm.
Thông tin trên nhận được sự đồng tình của các phụ huynh học sinh bởi nhiều lý do. Anh Trần Việt Giang (Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ: "Từ trước đến nay, việc cho con đi học thêm các giáo viên giảng dạy trực tiếp, ngoài việc củng cố kiến thức, một phần khác cũng mong muốn con được quan tâm hơn khi học trực tiếp trên trường. Đây không chỉ là suy nghĩ của riêng tôi, mà còn là tâm lý của nhiều phụ huynh hiện nay. Vì vậy, với Thông tư mới, chúng tôi sẽ có sự cân nhắc thực tế hơn về việc chọn môn học thêm cho con, tránh việc học thêm những môn con đã học tốt".
Phụ huynh Nguyễn Ngọc Lan (Cầu Giấy, Hà Nội) nhận định, khi thầy cô không dạy thêm cho học sinh giảng dạy trực tiếp sẽ góp phần tránh được thiên vị trong dạy và học, khi giáo viên để ý, quan tâm học sinh học thêm hơn các bạn khác. Với những giáo viên có năng lực, cách dạy hay hoàn toàn có thể đăng ký dạy thêm ở các cơ sở dạy thêm bên ngoài để gia tăng thu nhập.
Mặt khác, Điều 7, Thông tư 29/2024 quy định, kinh phí tổ chức dạy thêm, học thêm trong nhà trường sẽ sử dụng nguồn ngân sách nhà nước và các nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định của pháp luật. Tức là nhà trường không được tổ chức thu tiền học thêm của học sinh như trước đây, kinh phí tổ chức dạy thêm sẽ lấy từ ngân sách.
Trước đó, tiền học thêm trong nhà trường đều được đưa ra dựa trên thỏa thuận giữa cha mẹ học sinh với nhà trường. Do đó, mỗi trường sẽ thu số tiền học thêm khác nhau nhưng các trường đều tổ chức thu, chi và công khai thanh, quyết toán tiền học thêm thông qua bộ phận tài vụ của nhà trường; giáo viên dạy thêm không trực tiếp thu, chi tiền học thêm.
Cùng với đó, Thông tư mới quy định kỹ hơn trách nhiệm của từng đơn vị từ UBND tỉnh, Sở GD&ĐT đến nhà trường, UBND phường, xã trên địa bàn kiểm tra, giám sát. Ngoài ra, Bộ GD&ĐT giao cho các trường quyền tự chủ xây dựng kế hoạch giáo dục để đảm bảo chất lượng giáo dục.
Như vậy, với những học sinh có kết quả học tập theo từng môn chưa đạt, nhà trường sẽ bố trí dạy thêm và chi trả theo tiền ngân sách. Với những phụ huynh muốn bổ trợ kiến thức cho con, ngoài học thêm trong trường, có thể đăng ký các cơ sở giáo dục bên ngoài. Thông tư 29 đã cho thấy chủ trương không cấm dạy thêm nhưng phải đảm bảo lợi ích hài hòa giữa nhà trường, giáo viên, phụ huynh và học sinh.