Mừng đón xuân về, mời bạn cùng vượt ngàn con sóng ra thăm trường Tiểu học Thị trấn Trường Sa – ngôi trường của các bạn nhỏ thân thương tại huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa, bạn nhé!
Bốn mùa nghe sóng hát
Nằm dưới tán bàng vuông luôn vươn mình kiên cường trong gió bão, trường TH Thị trấn Trường Sa giống như một ngôi nhà nhỏ bình yên và xinh xắn. Đây là ngôi nhà chung của các bạn nhỏ tuổi mầm non và các bạn học sinh từ lớp 1 tới lớp 4, cùng gắn bó như anh em một nhà.
Có thể bạn sẽ thắc mắc, trường học ngoài đảo xa thì có gì đặc biệt nhỉ?
Ồ, có rất nhiều điều thú vị! Các bạn ở đây từ bé xíu đã được “tắm nắng” và “gội gió” miễn phí nên bạn nào cũng đẹp khỏe khoắn như “những đứa con của biển” vậy. Rồi lớp học ở ngoài đảo xa – trừ những lúc biển động hay gió bão đổ về - thì bốn mùa các bạn luôn được học chữ cùng những bản nhạc tuyệt vời từ sóng biển. Lời thầy giảng từng ngày hòa quyện với nắng gió và những giai điệu du dương của sóng đã gieo trong tâm hồn các bạn tình yêu với chữ và ước mơ lớn lên trở thành người có ích cho quê hương.
Mỗi người đến thăm lớp học ngoài đảo xa sẽ mang về một cảm nhận riêng. Nhưng có lẽ điều đặc biệt nhất mà ai cũng nhớ chính là những tiếng cười giòn tan của các bạn nhỏ nơi này. Đó là những tiếng cười mang âm vang của sóng, mang hơi thở của biển - tiếng cười hồn nhiên, yêu cuộc sống, yêu hòa bình như vẻ đẹp tâm hồn người Việt mình đã bao đời nay.
Mỗi học trò đều là một “chiến sĩ”
Bạn có thắc mắc, ngôi trường toàn các em bé và các bạn nhỏ thì làm “chiến sĩ” như thế nào được không?
Bạn à, để có thể học tập, sinh sống trên đảo, các bạn nhỏ đều phải rèn luyện sức khỏe thật tốt. Bởi trên đảo có thuốc men, có phòng khám và bác sĩ chăm sóc, khi bạn mắc bệnh thông thường. Nhưng nếu mắc bệnh nguy cấp thì bác sĩ chỉ làm nhiệm vụ sơ cứu rồi phải chuyển nhanh về đất liền mới kịp điều trị. Bởi vậy nên từ nhỏ, bạn nào cũng có ý thức rèn luyện sức khỏe và biết chăm sóc bạn bè, người thân rồi.
Bên cạnh đó, các bạn ấy còn là “các chiến sĩ nhỏ” kiên cường luôn sẵn sàng đón nhận những chuyến “ghé thăm bất thình lình” của bão biển cũng như làm quen với nỗi nhớ người thân nơi đất liền. Vì ở lớp học ngoài đảo xa, học hết bậc tiểu học là các bạn sẽ chuyển về đất liền học tiếp. Với những bạn có anh hoặc chị đã chuyển về đất liền thì ban đầu, có bạn cũng “nhớ nhiều muốn khóc” để rồi sau đó “trưởng thành” hơn.
Tình yêu Tổ quốc từ những điều giản dị
Các trường học nơi đảo xa dù đã được xây dựng khang trang nhưng điều kiện học tập còn thiếu thốn. Thương yêu học trò như con, em trong nhà, các thầy giáo ở đây luôn tận tụy truyền thụ kiến thức, rèn nền nếp, cách ứng xử cho học trò. Ngoài giờ học, các thầy còn hướng dẫn các bạn lớn giúp thầy kèm các em nhỏ hơn qua đó tạo sự gắn kết, đồng thời dạy các bạn tinh thần trách nhiệm, biết yêu ngôi trường, biết thương quý nhường nhịn bạn bè.
Đặc biệt, ngoài việc trang bị kiến thức, các thầy còn chú tâm dạy dỗ và bồi đắp cho các học trò về tình yêu quê hương, đất nước, niềm tự hào, ý chí vượt khó vươn lên. Những trò chơi dân gian, những buổi tập văn nghệ, những bài hát về tình yêu quê hương đất nước chính là mạch nguồn giúp các học trò khi trở về đất liền tiếp tục việc học, sẽ nhớ, sẽ tự hào về những tháng ngày được sống và học tập ở Trường Sa.
Tiếng gọi thiêng liêng
Dành tình yêu đặc biệt cho những mầm non ở nơi đầu sóng, thầy giáo Lê Xuân Hạnh được cán bộ, chiến sĩ và người dân trên đảo yêu mến gọi là “ông giáo già”. Thầy Hạnh đã có 34 năm cầm phấn, trong đó có 15 năm gắn bó với học trò vùng cao và 7 năm trước khi về hưu, thầy muốn dành trọn nhiệt huyết cho học trò ở Trường Sa.
Còn thầy Cao Văn Truyền, khi ở đất liền, thầy dạy học tại trường TH Sơn Hiệp thuộc huyện miền núi Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa. Nơi ấy khí hậu mát mẻ, có vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ với thác Tà Gụ, dòng sông Tô Hạp nên thơ, có đàn đá Khánh Sơn nổi tiếng cùng với cây đàn Cha Pi được nhạc sĩ Trần Tiến “đưa” vào tác phẩm “Giấc mơ Cha Pi”. Nhưng thầy đã giấu gia đình làm đơn ra đảo bởi tiếng gọi thôi thúc được hòa mình cùng lớp trẻ dâng tuổi thanh xuân cho Tổ quốc.
Vậy đó, nhắc đến những người thầy thực hiện sứ mệnh “trồng người” ở Trường Sa là nhắc đến biểu tượng của những cây phong ba kiên cường. Từ tình yêu, trách nhiệm lớn lao của những người thầy như thế, lớp lớp học trò vừa được gieo mầm chữ vừa được vun đắp tình yêu và trách nhiệm với Tổ quốc thiêng liêng.
Chúng mình cùng gửi mùa xuân ra đảo với lời chúc đẹp nhất và tình cảm biết ơn đến các chiến sĩ, đồng bào, đặc biệt là những người thầy, những bạn nhỏ đã góp phần tạc nên dáng hình Tổ quốc từ đảo xa, bạn nhé!