Ngày 22/3, một nhóm 5 nữ sinh lớp 9 trường THCS Phù Ủng (Ân Thi, Hưng Yên) đánh bạn khiến bạn này phải nhập viện. Khi sự việc được đăng tải, nhiều người tỏ ra phẫn nộ trước hành vi bạo lực của các học sinh trong độ tuổi thiếu niên. Để tránh trở thành nạn nhân của bạo lực học đường, học sinh nên làm những gì?
Tìm hiểu nguyên nhân và thẳng thắn tố cáo
Theo các nhà tâm lý học, nhiều người ”thích” bắt nạt bạn bè chỉ vì cảm thấy mình có thừa khả năng làm điều đó. Đôi khi, nhiều bạn trở thành mục tiêu bạo lực chỉ vì những việc rất nhỏ. Quá xấu xí, quá xinh đẹp, hay có những hành động ngớ ngẩn như “nhìn đểu” cũng vô tình trở thành cái gai trong mắt người khác, khiến xung đột nổ ra.
Một nguyên nhân nhỏ cũng khiến nhiều bạn trở thành nạn nhân của bạo lực học đường. Ảnh: Change.org.
Hành vi này cũng chứng minh một điều, những người ưa bạo lực muốn được chú ý và cho mọi người biết họ có uy quyền, sức mạnh làm tổn thương người khác.
Tháng 10/2016, một nữ sinh ở Ninh Thuận bị một nhóm 5 nữ sinh thay nhau hành hung chỉ vì tiếng nẹt pô xe máy quá to, khiến nhóm nữ sinh bực tức. Một bạn học gần nhà cho biết bạn này từng bị nhóm nữ sinh đánh trên đường đi học về nhưng không hiểu lý do.
Đôi khi, quá yếu đuối, nhút nhát cũng vô tình đẩy bạn rơi vào tầm ngắm của kẻ ưa bạo lực. Để cảnh báo những thành phần gây rối, bạn trẻ cần tỏ ra tự tin, ngẩng cao đầu, nhìn thằng vào mắt đối phương. Đừng im lặng, hãy đáp lại một cách ngắn gọn, dứt khoát.
Trốn tránh có thể là một cách xử lý đúng đắn, nhưng không có hiệu quả lâu dài. Nếu rơi vào trường hợp đó, đừng chịu đựng một mình, hãy nói với người bạn tin tưởng. Cách nhanh nhất để giải quyết vấn đề là báo cho cha mẹ, thầy cô, hay thậm chí là cảnh sát. Dùng uy lực của người lớn để trấn áp bạo lực là phương pháp xử lý hữu hiệu và nhanh chóng.
Bình tĩnh và tìm hướng giải quyết
Nếu bị bắt nạt, hãy đi về phía đông người hay thậm chí là kêu cứu thật to. Khi bạn được nhiều người đứng lên bảo vệ, kẻ bắt nạt sẽ cảm thấy yếu thế và không thể hành động. Tuy nhiên, chỉ nên đánh vào tâm lý đối phương, không nên dùng bạo lực để chống lại bạo lực, như thế sẽ khiến cho mọi chuyện rắc rối hơn.
Các nhà tâm lý học cũng khuyên rằng, khi bị bắt nạt, đừng phản kháng quá mạnh. Bạn càng phản kháng, đối tượng bạo lực càng thích thú và sẽ tấn công bạn nhiều hơn. Thay vào đó, bạn nên cư xử hòa nhã và “giết chúng bằng lòng tốt của bạn”.
Ví dụ, nếu bạn bị bắt nạt chỉ vì mang giày giống họ, bạn có thể nói “mong bạn thông cảm, mình sẽ thay đôi giày khác để tránh làm bạn khó chịu”. Hay tương tự với việc bị bắt nạt chỉ vì ngoại hình. Hãy mỉm cười và cảm ơn họ vì đã đưa ra nhận xét để bạn có thể thay đổi tốt tích cực hơn.
Bạn trẻ cũng nên học một vài thế võ để bảo vệ bản thân trong tình huống xấu nhất. Tuy nhiên, phản kháng chỉ là lựa chọn cuối cùng khi không thể làm gì khác. Đặc biệt, không được phép tấn công quá mạnh, làm như vậy sẽ gây tác dụng ngược và khiến bạn gặp nhiều rắc rối hơn.
Khi bị bắt nạt, nên bình tĩnh và tìm cách xử lý trong êm đẹp. Ảnh: Mrkempnz.
Sau khi vụ việc xảy ra, bạn trẻ nên học cách ổn định tâm lý. Đừng quá thu mình, hãy đi tìm những người bạn mới, tham gia các nhóm học tập, hoạt động xã hội. Như thế, bạn có thể gạt bỏ những chướng ngại tâm lý và “bóng ma” về những người bạn xấu. Tạo mối quan hệ với những người bạn tốt sẽ giúp bạn có cái nhìn tích cực hơn về môi trường học tập và tránh khỏi tầm ngắm của những kẻ bắt nạt.
Bản chất của con người đều giống nhau, yêu thích những lời nói tốt đẹp và sự hoà nhã. Nếu biết cách xử lý tình huống, cẩn trọng trong lời nói và hành động, bạn sẽ tránh gặp phải những trường hợp tương tự có thể xảy ra.
Theo Tri thức trực tuyến