Sinh ra và lớn lên ở TP.HCM nên cuộc sống của Hùng Đức đậm chất thành thị và không có ý niệm về thiên nhiên hoang dã. Cuối năm 2018, khi còn là sinh viên ngành quản trị khách sạn, anh chàng bắt đầu có những chuyến tự đi phượt tới Vũng Tàu bằng xe máy để có thêm trải nghiệm về ngành nghề. Sau chuyến đi này, Đức nhận ra mình yêu thích du lịch, thích được lái xe đến những vùng đất mới, rời khỏi nơi thành phố khói bụi.
Thời gian rảnh, cậu lại chạy xe lên Đà Lạt để tìm hiểu cách trồng cây, chăm sóc cafe, phục vụ đam mê pha chế và chụp ảnh. Sau một năm, nhận thấy bản thân không phù hợp với ngành đang theo học, anh chàng quyết định chuyển hướng. Cứ mỗi cuối tuần, điểm đến quen thuộc vẫn là Đà Lạt, cách nơi Đức ở 6 giờ chạy xe.
Đến Đà Lạt nhưng mỗi lần chàng trai này đều lựa chọn ở một homestay khác nhau, tiêu chí là yên tĩnh, cách xa thành phố và có tầm nhìn núi rừng. Những chuyến đi về sau, Hùng Đức chuyển sang mua lều cắm trại trong rừng.
Tháng 6/2020, chuyến đi xuyên Việt lần đầu tiên được Đức thực hiện kéo dài 1 tháng. Tiếc nuối những địa điểm chưa được ghé thăm, cùng năm đó Đức đã chạy xe xuyên Việt lần 2. Kết thúc chuyến đi, anh chàng chuyển về công ty của gia đình làm việc văn phòng. Hàng ngày phải thức dậy kịp giờ đi làm, không gian văn phòng là 4 bức tường đã khiến chàng trai này nhận ra mình yêu thiên nhiên và phù hợp với những chuyến đi hơn.
Dọc đất nước Việt Nam, Hùng Đức nhận thấy mình yêu mến Đà Lạt nhất vì nơi đây có khí hậu mát mẻ, dễ chịu quanh năm. Thiên nhiên và con người cũng vô cùng hòa hợp, có thể nhận thấy ở nhà nào cũng có một vài chậu hoa. Ngoài ra, Đà Lạt còn là vùng đất thích hợp để trồng trọt, nghiên cứu về cafe và không quá xa Sài Gòn để anh chàng có thể về thăm gia đình.
Bắt đầu một cuộc sống mới ở đây, việc sống giữa rừng không quá khó khăn với chàng trai Sài thành. Bởi trước đó, Đức đã có kinh nghiệm từ những lần đi rừng và quen thuộc với Đà Lạt giống như ngôi nhà thứ 2. Tuy nhiên, đôi lúc chàng trai này cũng gặp phải một chút khó khăn trong việc trồng trọt. Có lần bão đi qua, cả vườn bắp 1.000 cây của nông trại đều bị ngã rạp. Hay có ngày mưa đá, những cây con mới trồng đều bị dập, gió lớn làm bật gốc những cây lớn hơn.
Nhưng bù lại, sau mỗi cơn mưa lớn ở Đà Lạt, thời tiết ẩm ướt đã tạo điều kiện thuận lợi cho những loại nấm đặc sản rừng thông phát triển như nấm xơ mít, nấm gan bò, nấm sữa, nấm mối,... Những ngày trời nắng đẹp sau mưa là lúc anh chàng khăn gói lên rừng hái nấm.
Sau 4 tháng về rừng ở, điều lớn nhất mà Đức nhận được là tinh thần thoải mái, không có áp lực. Sức khỏe tốt hơn khi được hít thở không khí trong lành, ăn thực phẩm sạch ở nông trại, ở rừng. Bên cạnh đó, cuộc sống ở rừng giúp ích cho công việc của anh chàng rất nhiều. Rừng mang đến nhiều ý tưởng để Hùng Đức sáng tạo và tìm thêm những nguyên liệu tự nhiên trong đồ uống. Đặc biệt, mỗi lần lên rừng, chàng trai Sài Gòn lại thu được một bộ ảnh đẹp, kiến thức về thiên nhiên.
Chia sẻ kinh nghiệm về việc đi rừng, Đức cho rằng nên cùng bạn đồng hành để hỗ trợ khi gặp tình huống nguy hiểm như kiệt sức, té ngã,... Đồng thời chuẩn bị các kỹ năng hỗ trợ sinh tồn như cấu tạo, địa hình khu rừng, các loài động vật, thực vật hữu cơ ở đó. Trang phục thích hợp là giày cao cổ, trang phục kín chân để tránh côn trùng. Ngoài ra, cần mang theo dụng cụ cứu hộ, đèn pin, la bàn.
Cuối cùng, chàng trai Sài Gòn khuyên mọi người đi rừng chỉ nên để lại những dấu chân, đừng để lại một mảnh rác hay những tán cây, ngọn cỏ bị bẻ rạp. "Tốc độ hồi sinh của rừng chậm hơn rất nhiều so với tốc độ tàn phá rừng của con người cho nên hãy tôn trọng rừng, tôn trọng thiên nhiên như tôn trọng chính bản thân mình vậy", Hùng Đức nói.