Mẹ bảo bưởi Diễn phải mua từ tháng mười để héo đến tết ăn mới ngọt. Từ buổi đó tôi đã mơ về Tết. Những đêm giá rét, hai chị em cuộn tròn trong chăn ấm thi thoảng lại thò đầu ra hít hà mùi bưởi chín thơm thật là thơm, chỉ ngửi hương thôi mà như thấy cả vườn bưởi nhà bà ngoại vậy. Mỗi khi đi học về mở cửa bước vào nhà, hương bưởi dâng lên ngào ngạt, mùi hương ấy gợi lại trong tôi những khoảnh khắc êm đềm của ngày giáp tết. Cái háo hức mong chờ rất trẻ con đến giờ vẫn thế. Tôi gọi đó là mùi Tết. Mùi Tết thơm ngát một khoảng trời thơ ấu trong tôi.
Ngày chị em tôi còn nhỏ xíu, nghỉ tết mẹ thường chở chúng tôi về quê ngoại chơi. Nhà ngoại tôi có cây bưởi đào sai lúc lỉu ngay trước sân nhà. Cây không cao lắm, quả to, tròn, vàng óng, la đà ngay cạnh lối đi, ai đến chơi nhìn cũng thích. Những ngày về thăm ngoại hai chị em thường tha thẩn chơi đồ hàng, chơi trốn tìm rồi đuổi nhau chạy vòng quanh sân. Thi thoảng chúng tôi lại đến gần những trái bưởi , đứa thì cụng đầu một cái rồi lấy tay xoa xoa, đứa thì áp má thơm một cái rồi hít hà mùi bưởi chín nhưng chẳng đứa nào dám đòi bổ bưởi vì bà dặn đó là những quả bưởi để dành đến tết thắp hương các cụ. Sớm mai ngủ dậy mùi bưởi chín phảng phất trong gió thơm cả khoảng sân, thơm cả khu vườn những ngày cuối năm.
Bao nhiêu háo hức, chờ mong rồi tết cũng đến. Sáng ba mươi bà dậy sớm cắt từng quả bưởi mang ra sân giếng rửa nước vôi cho sạch bóng. Bà chọn một quả đặt lên nải chuối xanh xếp mâm ngũ quả trên ban thờ. Số còn lại bà mang biếu họ hàng, làng xóm. Ngày tết thiếu gì thì thiếu chứ không thể thiếu nải chuối xanh và quả bưởi thờ các cụ, bà tôi bảo thế. Năm nào bà cũng để dành những quả bưởi đẹp nhất, to nhất đến tết. Quả bưởi chín vàng , thơm ngát dâng lên ban thờ là cả tấm lòng thơm thảo của cháu con thành kính dâng lên tổ tiên. Ngày tết ngồi bên nhau ăn múi bưởi vườn nhà như cảm nhận được cả những yêu thương ngọt lành chắt chiu từ mưa nắng dãi dầu của bà, của mẹ.
Có ai đó đã viết rằng mùi hương là cội nguồn của nỗi nhớ. Có phải thế chăng mà ở cách xa nửa vòng trái đất bạn tôi lại chạnh lòng rưng rưng nước mắt khi ngửi thấy mùi thơm dịu dàng thanh khiết của cây mùi già trên mái tóc óng mềm của một em bé gái. Tôi biết bạn đang nhớ đến nồi nước thơm chiều ba mươi, năm nào mẹ bạn cũng nấu để cả nhà tắm gội, bởi vậy với bạn thấy hương mùi già là thấy tết và tết là để trở về đoàn tụ bên gia đình.
Bà tôi lạ lắm, bà kể rằng cứ gần tết bà lại nhớ mùi vôi tôi nồng nồng của những ngày tết xưa. “Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi”. Vôi mặc áo mới cho những ngôi mộ rêu mốc ngoài nghĩa địa, vôi mặc áo mới cho những bức tường nhà, cho cả những hàng cây trong vườn. Đi đâu cũng thấy sáng bừng một màu vôi mới, mùi vôi ấm nồng lan khắp không gian neo vào trong nỗi nhớ của những người cùng thế hệ với bà tôi. Mùi tết ấy giờ không còn thấy nữa. Với tôi mỗi khi ngửi thấy mùi thơm rất thơm của những quả bưởi cuối mùa lại ngỡ như là tết, lòng vẫn vẹn nguyên những cảm giác êm đềm của một buổi chiều ngày cuối năm. Đôi khi tôi vẫn mơ được trở về buổi chiều ngày hôm ấy chỉ để ngồi lặng yên thật lâu bên thềm nhà nghe những cơn gió mùa xuân thì thầm kể chuyện, những cơn gió thơm ngát, phảng phất mùi bưởi chín còn sót lại đâu đó trong khu vườn của bà tôi.
Mỗi năm tết lại đến một lần, nhưng những cái tết ngày ta còn thơ bé bao giờ cũng đặc biệt và đáng nhớ hơn cả. Chúng ta lớn dần lên, có thể nhiều thứ đã đổi thay và không còn nữa nhưng mùi hương thì vẫn còn ở đó như mơ hồ mà hiện hữu, mùi hương đọng lại trong tiềm thức gợi lại cho ta những hình ảnh đã nhạt nhoà, chắp nối cho ta những mảnh ghép rời rạc của ký ức. Như hương bưởi thơm rất thơm ngày xưa vẫn còn đó trong tâm trí tôi để rồi một khoảnh khắc bất chợt gặp mùi hương ấy tôi lại được trở về với kỉ niệm. Trở về để biết mình đã lớn.
Huyền Sâm
Đỗ Thị Sâm - Tập thể V30 - Tiên Dược - Sóc Sơn - Hà Nội