Bà cụ thì chẳng bao giờ khen nó. Mỗi ngày, bà chỉ lặng lẽ tưới nước bằng một lon sữa bò đã móp, tay run run kê chiếc ghế đẩu ra ngồi trước hiên nhà. Thi thoảng bà lại cầm chiếc khăn tay màu nâu đã sờn vải, khẽ áp lên má như thể đang vuốt ve một điều gì đã khuất.
Trầu từng thắc mắc, tại sao một mảnh vải cũ kỹ lại khiến bà đăm chiêu thế?
Giàn trầu không thích bà cụ. Nó chỉ thích ngửa mặt lên ngắm những đám mây xanh, đang chơi đuổi bắt trên bầu trời cao rộng. Thi thoảng chim Sơn Ca bay ngang qua, kể chuyện về những ngọn đồi cao chạm mây, những cánh đồng lúa chín vàng bông nặng trĩu. Nó ước, mình có đôi cánh như Sơn Ca để rong ruổi khắp mọi nơi.
Sáng nay, Bướm bay qua bay lại hút mật trên những bông hoa mướp vàng rực, thi thoảng quay sang trò chuyện với nó:
– Trầu ơi! Cậu có thấy hôm nay trời đẹp không?
– Đẹp lắm! Mình thích thời tiết như thế này. Nắng vàng tươi như màu áo mới. Gió thổi mát làm sao!
– Sao bà cụ cứ bần thần thế nhỉ? Bướm hỏi, ánh mắt dõi theo bóng bà cụ đang ngồi trước hiên.
– Mình không biết. Mà ngày nào bà ấy cũng ngồi ở đó mà. Nhưng mấy hôm nay lại càng tệ hơn. Mà thôi cậu đừng nhắc đến nữa. Chẳng vui tẹo nào.
– Cứ nhìn thấy bà là thấy phiền. Cả ngày chỉ ngồi như tảng đá, chẳng hát, chẳng kể chuyện, cũng chẳng cười nói. Mình sinh ra để ngẩng đầu nhìn mây trời, chứ không muốn mọc trong mảnh vườn vừa nhỏ, vừa u ám này. Trầu nhăn mặt nói thêm, một chiếc lá non cụp xuống đầy bực dọc.
Bướm hiểu bạn mình. Bạn ấy năng động, vui tươi, hoạt bát thế nhưng lại sống ở khung cảnh như thế này. Đúng là chẳng hợp tẹo nào. Bảo sao khi nhắc đến bà cụ, bạn ấy liền tỏ thái độ ngay. “Đến mình nhìn bà cụ còn muốn… héo nữa là”. Bướm nghĩ.
Nhưng vẫn động viên bạn:
– Thôi cậu đừng để ý. Người già họ dễ tủi thân. Bà cụ lại sống một mình bao lâu nay.
Trầu thường nghĩ, bà cụ làm mình mất hứng sống. Nhìn sang nhà bên, nơi ấy cũng có một bà cụ, chắc cũng trạc tuổi như bà, thường hát ru cho cháu, lòng nó lại rộn ràng. “Giá mình được mọc trong vườn nhà bên ấy, có lẽ mình đã leo tới mái nhà rồi”, Trầu nghĩ, mắt mơ màng theo tiếng ru vọng sang.

Mấy hôm nay trời oi nồng đến khó thở. Trầu vốn ưa nắng gió nhưng mấy hôm nay cũng thấy ngột ngạt. Các bạn Mướp, Na, Thiên Lý, Bưởi… héo rũ. Thấy bảo, bão sắp về. Trầu chưa từng nghe đến bão. Từ lúc sinh ra, nó chỉ biết nắng, gió và cả cô Mưa thi thoảng vẫn ghé chơi. Nó chớp chớp đôi mắt tròn xoe, hỏi bác Cau:
– Bác ơi! Bão là gì ạ?
Bác Cau ngước nhìn lên trời, giải thích:
– Bão là khi trời nổi gió rất mạnh, mang theo mưa và sấm chớp rất to nữa. Giống như trời đang giận dữ ấy…
Nói đến đây thì bác ngập ngừng như muốn giấu điều gì.
Chiều hôm ấy, Sơn Ca ghé qua, kể cho Trầu câu chuyện mà bạn ấy nghe được từ mẹ, năm ngoái có một giàn trầu trong vườn nhà mình bị đổ rồi cứ lụi dần sau trận bão. Bà cụ buồn lắm. Mãi sau, bà mới đón một cây trầu nhỏ, chính là cậu bây giờ và đem về trồng đến giờ.
Trầu đăm chiêu nghĩ về hôm bà cụ đón nó về. Đó là một buổi sáng mùa đông có nắng nhẹ. Bà cụ bới một góc đất ẩm và mát, ngay dưới chân nó bây giờ rồi cẩn thận đặt nó vào. Từ đó, ngày nào bà cũng ra vườn đôi ba lần, nhìn những cành con con của nó mà ngắm nghía. Dù không thích bà cụ, nhưng có một điều nó không thể phủ nhận rằng, bà cụ rất chăm chút cho nó. Cũng bởi được bà chăm lo mỗi ngày, mà nó luôn khỏe mạnh, cành lá bóng mượt, vươn dài ra khắp hàng rào tre. Mỗi sáng, bác Cau tỉnh giấc, đều cúi xuống khen nó. Có lúc Trầu từng bắt gặp ánh mắt bà lặng lẽ dõi theo mình, nhưng nó vội quay đi.
Đêm bão sẽ về. Bác Cau thông báo tin ấy, khi vừa nghe được từ bản tin trong chiếc đài cũ của bà cụ.
Trầu có một chút lo lắng. Nó chưa từng chứng kiến những cơn bão đã qua nhưng nghe lời kể của mọi người, nó thấy bồn chồn. Một chút bất an len lỏi vào tâm trí như sợi len ngập ngừng trên đầu móc, không biết bắt đầu từ đâu.
Chập tối, gió bắt đầu nổi lên. Trầu nằm dưới thấp, ôm chặt lấy rào tre, ngẩng đầu lên quan sát. Bạn Mướp khóc nức nở. Từng đợt gió làm thân hình mảnh mai của bạn nâng lên, dìm xuống như muốn đứt. Bóng bác Cau lắc lư trên cao. Không ai lên tiếng, nhưng Trầu biết mọi người cũng đang vật lộn với bão như Trầu.
Xa xa, tiếng gọi của những người trong làng gọi nhau dọn dẹp, cất đồ đạc để tránh bão vọng về.
Bu gà của bà cụ cũng được lấy lá chuối che chắn cẩn thận. Chị gà mái và mười hai chú gà con lông vàng như tơ đã ăn uống xong xuôi và nằm ngoan ngoãn.
Đến nửa đêm thì mưa xuống.
Gió quật mạnh hơn, Trầu chao đảo. Dây non mới mọc còn yếu bị hất khỏi rào tre. Trầu hoảng sợ. Lần đầu tiên nó thấy mình đối diện với cái chết gần đến thế. Nước mưa quất vào da thịt nó đau rát. Toàn thân ướt sũng. Quằn quại. Vài lá non đầu cành bị mưa rạch nát. Vừa đau vừa lạnh. Nó không nghĩ bão lại ác liệt đến thế. Trong bóng đêm, nó lại càng thấy sợ hơn. Nó muốn khóc mà không khóc được.
Đêm ấy, trong nhà, bà cụ hình như cũng không ngủ được. Thi thoảng bà lại bật đèn, mở cửa nhìn ra phía khoảng vườn có giàn trầu đang ngả nghiêng.
Bà đi ra, rồi lại đi vào, dáng đi lặng lẽ như ngọn đèn dầu trong đêm tối. Miệng bà lẩm nhẩm cầu xin trời phật cho bão mau tan.
Khi Trầu tưởng mình sắp không chịu nổi, toàn thân rã rời thì chợt ánh sáng lóe lên từ góc hiên. Rồi ánh sáng tiến dần ra sân. Theo sau là bà cụ. Lúc này đã mặc áo mưa, đội nón cẩn thận. Một tay cầm đèn pin, một tay cầm mảnh bạt màu xám. Bà run rẩy bước từng bước ra vườn, đến bên giàn trầu. Chiếc áo mưa mỏng tang, nhàu nhĩ, ôm lấy thân hình gầy guộc của bà, đang cố gắng bước từng bước chậm chạp trong mưa như chiếc lá khô lạc giữa dòng đời bão tố. Bà mở mảnh bạt. Những ngón tay xương xẩu, vẫn đang cố gắng buộc hai mép bạt lên cột rào như thể đó là sinh mạng duy nhất còn lại. Trầu lặng đi, không phải vì lạnh. Mà vì chưa bao giờ nó thấy mình bé nhỏ và được yêu thương đến thế. Khi đã yên tâm rằng bão không thể làm hỏng giàn trầu của mình, bà mới trở vào nhà. Qua ánh sáng hắt ra le lói từ khung cửa sổ, Trầu hé mắt nhìn thấy bà đã vào nhà. Bên ánh đèn vàng ấm áp, đã cởi bỏ áo mưa. Bàn tay gầy gò, xương xẩu của bà thả buông búi tóc dài bạc trắng, lau những giọt nước mưa còn đọng trên trán.
Được bà cụ dùng mảnh bạt che chắn, Trầu nằm im bên trong, thở dài, như thể vừa thoát được một tai họa. Vừa lo lắng cho bác Cau, chị Mướp không biết giờ này ra sao. Ngoài kia gió vẫn rít lên từng hồi.
Lòng Trầu lại lặng đi vì một điều rất khác.
“Thì ra, bà không hề yếu ớt. Bà đã luôn âm thầm bảo vệ mình suốt từ ngày bà đón mình về đây. Còn mình thì sao. Mình đã từng ước được mọc ở nhà bên để được nghe những tiếng ru. Sao mình lại tệ đến thế?”.
Sáng hôm sau, trời quang mây tạnh.
Gió dịu dàng như chưa từng giận dữ. Bão đã tan, để lại trên sân gạch những vũng nước lấp lánh.
Trầu vẫn còn run run khi nghĩ đến đêm qua nhưng lòng thì ấm êm như có ai đó khẽ đưa tay chạm thật nhẹ vào những chiếc lá, vỗ về từng sợi rễ.
Bác Cau đã mất vài cành bị gãy nhưng vẫn đứng vững. Chị Mướp dù ủ rũ, vẫn cố vươn một ngọn xanh non chạm tới đầu nhà. Trầu nhìn mọi người, lòng thêm thấu hiểu sức mạnh của những kẻ yếu đuối đã nỗ lực vượt qua một đêm giông bão.
Bà cụ bước ra vườn. Vẫn là dôi dép nhựa cũ, vẫn dáng lưng còng lom khom kiểm tra giàn. Mắt bà nheo nheo. Bàn tay tun run lần theo từng dây trầu, vuốt nhẹ những chiếc lá rách như thể xin lỗi. Trầu cảm thấy, nó và bà, một người già cô đơn giữa mùa ký ức và một đứa trẻ vừa trải qua nỗi sợ. Lúc này giống như hai tâm hồn lặng lẽ nương tựa vào nhau.
Chiều hôm ấy, một cô bé tới chơi. Mang theo rất nhiều bánh trái và hoa quả. Nghe đâu, cô ấy là cháu họ xa. Thi thoảng sẽ ghé qua. Vừa đến, thấy bà đang ngồi lần lần chiếc khăn mùi xoa đã cũ trên tay, cô bé hỏi:
– Bà vẫn giữ chiếc khăn ấy ạ?
– Ừ, là kỷ vật của ông mày. Bà thêu tặng ông trước ngày ra trận. Lúc ông mất, người ta chỉ tìm thấy chiếc khăn này trong ba lô. Còn lại, chẳng có gì. Không có cả thư. Mà có khi, ông mày cũng chẳng kịp viết.
– Ông hy sinh khi mới đôi mươi. Cũng là trẻ mồ côi như bà. Gặp nhau được cũng là cái duyên. Vậy mà… cũng chẳng trọn.
Bà không khóc. Nhưng lời của bà nói như chứa đựng hàng ngàn nỗi tủi thân dâng đầy trong đáy mắt.
Bên hiên nhà. Một già, một trẻ ngồi tựa vào nhau. Cô bé nâng niu chiếc khăn thêu đôi chim bồ câu trên tay như muốn sẻ chia nỗi buồn sâu thẳm trong lòng người bà tần tảo ấy.
Trầu lặng đi. Không rõ là vì gió hay vì lòng nó đang rung lên bởi một điều gì thiêng liêng. Nó nhớ có lần bà giặt chiếc khăn và phơi riêng một góc sân. Lúc đó chưa hiểu, nên nghĩ bà thật lẩn thẩn. Hóa ra, bà đã dành cả thanh xuân để gìn giữ một điều dang dở. Thì ra mỗi lần nó nhìn thấy bà ngồi đăm chiêu trước hiên, trên tay là chiếc khăn tay, chính là lúc bà lần tìm về quá khứ bi thương ấy. Kỷ vật ấy là điều duy nhất bà còn lại khi hay tin ông đã mất.
Nó thấy có lỗi vì đã không hiểu bà.
Lần đầu tiên, nó thấy nỗi buồn không phải là thứ đáng ghét mà là một điều thật cao quý.
Từ hôm ấy, Trầu không trốn tránh bà cụ. Nó cũng không còn ngửa mặt mơ về bầu trời cao xanh nữa. Nó bắt đầu thích nhìn về hiên nhà, nơi bà cụ vẫn ngày ngày ngồi đó, yên lặng mà ấm áp như một mái che vô hình. Ngay tại mảnh vườn bé nhỏ ấy, nó đã học được cách sống và yêu từ một người chẳng bao giờ cười nhưng luôn sẵn sàng dang tay bao bọc lấy nó.
Sáng sớm ngày 27 tháng 7, bà cụ ra vườn. Bên giàn trầu, bà lẩm nhẩm khấn xin hái những lá trầu thật xanh tươi, đặt lên bàn thờ ông cùng quả cau bà mới nhờ đứa cháu trẩy giúp. Trầu rưng rưng. Một niềm xúc động đang dâng lên từ tận cùng của từng chiếc rễ. Nó muốn dành những chiếc lá đẹp nhất, tươi nhất để cho bà. Bà cụ mỉm cười như thấu hiểu.
Qua ô cửa sổ, nó thấy bà châm lửa, thắp hương cho ông. Sáng sớm ấy, khi nắng vừa đậu trên những đầu lá còn ướt sương đêm, một làn gió thổi qua. Tán trầu rung lên khe khẽ, như tiếng chào của một đứa cháu nhỏ gửi tới người ông chưa từng gặp mặt.
Theo Phạm Phương Liên (Vanvn.vn)