Chúng tôi có dịp ghé thăm “cô giáo” tật nguyền Nguyễn Thị Ngọc Tâm (SN 1990, thôn Trại 4, xã Yên Quang, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định) trong những cần kề ngày 20/11 – Ngày nhà giáo Việt Nam. Lớp học đặc biệt, không phấn, không bảng, không bục giảng, nhưng trên gương mặt cô và trò luôn thường trực nụ cười, đôi mặt sáng long lanh.
Nghị lực phi thường
Cô Tâm sinh ra trong gia đình có 2 anh em, bố mẹ đều làm nông. Lúc mới lọt lòng chị đã mắc căn bệnh ác quái, một chân của cô Tâm bị ngoặt lên trên bụng không thể duỗi thẳng. Gia đình chạy vạy đi vay tiền anh em, hàng xóm để đưa cô Tâm lên Bệnh viện Nhi Thụy Điển phẫu thuật lại chân. Sau lần phẫu thuật đó, chân của cô đã đuổi thẳng nhưng vẫn không đi lại được.
Nói về những ngày thơ ấu của cô Tâm, cụ Nguyễn Thị Lịch (82 tuổi), (bà ngoại của cô Tâm) xúc động kể lại: “Sau lần phẫu thuật lần đầu, chân của Tâm đã duỗi thẳng, nhưng vẫn không đi lại được. Các Bác sĩ hẹn phẫu thuật thêm nhiều lần nữa, nhưng khớp chân của Tâm vẫn bị lệch, cần phải đặt lại cho đúng vị trí nhưng mà Tâm không đủ sức khỏe. Cái Tâm hay bị gãy xương, liên tục bị gãy trong 23 năm liền, gãy nhiều đến nỗi không nhớ nổi bao nhiều lần đã bó bột. Tài sản trong gia đình cứ cạn kiệt dần”.
Lớp học miễn phí của cô Tâm lúc nào cũng đông vui rộn tiếng cười, không khí học hành rất hăng say.
Nhìn bố mẹ vất vả vì mình, cô Tâm không cam lòng, cô tự mình tập đứng, tập đi trong chiếc xe tập tay do bố làm. Những cơn đau buốt trong xương tủy dày vò cơ thể, những lần tập đi bị teo dại co quắp cả chân tay, nhưng điều đó không có xá gì. Cô Tâm vẫn tiếp tục luyện tập, tập đến rạn xương chân phải đi bó bột, mà kết quả vẫn không đi được như mong đợi. Thế rồi, cô Tâm đành bỏ cuộc.
Theo cô Tâm hồi đó, chị được gia đình cho lên học luôn lớp 1 để theo đuổi kịp các bạn cùng trang lứa. Những ngày đầu đến lớp, chị chỉ biết ngồi im vì chưa biết đọc, biết viết bảng chữ cái. Bố chị xin nghỉ làm, ở nhà dạy chị cách đọc và cách viết. Sau 2 ngày chị thuộc lòng bảng chữ cái.
Việc đi lại đến trường cũng như mọi sinh hoạt, cô Tâm phải nhờ đến sự giúp đỡ của người thân và gia đình. Năm 2007, học hết THCS, sức khỏe của cô giảm sút nên cô Tâm phải nghỉ học. Trong 9 năm đi học, cô Tâm đã được 20 tấm giấy khen và có 1 kỷ niệm đáng nhớ thời học sinh khiến cô Tâm rất cảm động.
“Có một lần thi học kì, trường bất ngờ đổi địa điểm phòng thi lên tầng trên. Trong lúc không biết xoay thế nào, thì các bạn trong lớp xúm vào giúp đỡ, bạn thì xách cặp, rồi mấy bạn nam khệ nệ khiêng cả ghế lẫn người sang phòng khác. Điều đó làm cô rất cảm động. Tôi cảm thấy mình may mắn có những người bạn, thầy cô tuyệt vời”, cô Tâm nhớ lại.
Đừng bao giờ từ bỏ ước mơ
Sau khi nghỉ học tại trường vì lý do sức khỏe, cô Tâm tiếp tục ở nhà dạy học miễn phí cho các bạn học sinh trong làng. Một phần để đỡ buồn, một phần để thỏa mãn ước mơ được làm cô giáo. Tiếng lành đồn xa, ngày càng có nhiều phụ huynh tìm đến nhà cô Tâm mong muốn gửi con em của mình cho cô Tâm kèm cặp. Không chỉ học sinh trong địa bàn huyện Ý Yên, còn có nhiều học sinh của huyện khác cũng tìm đến nhà “cô giáo” Tâm để học.
Theo cô Tâm, các bạn chủ yếu học thêm vào 2 ngày cuối tuần, để việc học của các bạn cũng như việc dạy không bị xáo trộn, cô thường xuyên lên lịch phân chia thời gian cho hợp lý.
“Buổi sáng chị dạy cho học sinh cấp I và buổi chiều là dành thời gian cho các bạn học sinh cấp II. Vào thời gian các bạn được nghỉ hè, số lượng học sinh đến học thêm rất đông, nhiều hôm có gần 40 học sinh” - côTâm phân trần.
Trong số học sinh theo học tại lớp “cô giáo” Tâm đã có nhiều học sinh được vào đội tuyển học sinh giỏi cấp tỉnh và sau này đã đỗ các trường Đại học, Cao đẳng danh tiếng trong nước. Đó là nguồn động lực, giúp chị Tâm phấn đấu hơn nữa trong việc dạy học.
“Lớp học tuy không đầy củ cơ sở vật chất, nhưng mình cảm thấy vui và hạnh phúc khi được học tại đây, cô Tâm đã mang lại nhiều kiến thức, niềm vui cho chúng mình. Mình sẽ cố gắng theo học lớp cô Tâm khi nào học hết cấp II”, bạn Phương Anh chia sẻ.
Ngoài công việc dạy học cô Tâm còn sáng tác thơ, truyện ngắn, trong đó có truyện ngắn mang tiêu đề: “Đừng bao giờ từ bỏ ước mơ - Hạt giống tâm hồn” đã đạt giải khuyến khích trong cuộc thi “Tôi có 1 ước mơ” do Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức vào năm 2001.
Mỗi lần có giải thưởng hay nhuận bút, cô Tâm đều trích số tiền đó để mua sách vở cho các bạn có hoành cảnh khó khăn hay mua một ít bánh kẹo liên hoan cùng các bạn học sinh.
Đến nay, cô Tâm đã sáng tác được gần 30 bài thơ, truyện ngắn. Với cô Tâm, ước mơ được làm cô giáo đứng trên bục giảng là điều quá xa xỉ. Nhưng không vì đó mà cô Tâm cảm thấy buồn, chị thấy vui khi được làm “cô giáo” tại nhà. “Không được làm cô giáo đứng trên bục giảng, thì chị làm “cô giáo” tại nhà. Cô dạy học không phải vì vật chất hay tiền bạc, cô dạy với mục đích giúp đỡ các bạn, nên chị dạy hoàn toàn miễn phí”, cô Tâm cười.
“Họ làm được, tôi và bạn cũng có thể làm được, dù có gặp muôn vàn khó khăn, đau đớn, thậm chí thất bại nhưng nhất định không được gục ngã, đầu hàng. Chỉ cần chúng ta có ý chí, nghị lực, đam mê và nỗ lực hết mình từng ngày, từng giờ, cố gắng thực hiện ước mơ và không được từ bỏ ước mơ thì tôi tin rằng chúng ta có thể thực hiện được ước mơ đó”, cô Tâm chia sẻ thêm.
Sỹ Nguyễn