Ngôi nhà đầu tiên đón Bác Hồ khi về Thủ đô

TNTP Thứ Tư
Trong những ngày cao trào của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Bác Hồ cùng các lãnh đạo Trung ương Đảng từ chiến khu Việt Bắc đã về Hà Nội và ở tại ngôi nhà nhỏ trong ngõ 319 phố An Dương Vương (quận Tây Hồ). Ngày nay, ngôi nhà được gìn giữ, bảo quản để giáo dục cho thế hệ sau về truyền thống cách mạng.

Ở Hà Nội, ngôi nhà 48 Hàng Ngang (phường Hàng Đào, quận Hoàn Kiếm) là địa chỉ nổi tiếng, khi tại nơi đây Chủ tịch Hồ Chí Minh đã soạn bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Tuy nhiên, đây không phải ngôi nhà đầu tiên Người từng ở khi về tới Thủ đô. Địa điểm đầu tiên đón Bác Hồ từ Chiến khu Việt Bắc nằm ở số 6, ngõ 319, phố An Dương Vương (quận Tây Hồ).

Hiện nay, ngôi nhà trở thành Di tích lịch sử cách mạng được nhiều du khách ghé thăm, trong đó có các bạn học sinh tìm về “Địa chỉ đỏ”. Mỗi khi có thiếu nhi, học sinh đến thăm ngôi nhà, ông Công Ngọc Dũng (chắt nội của cụ Nguyễn Thị An) đều hào hứng kể về truyền thống nuôi giấu, bảo vệ chiến sĩ cách mạng của gia đình.

Đầu những năm 40 của thế kỷ XX, khi phong trào cách mạng phát triển mạnh mẽ, cụ Nguyễn Thị An và con trai là ông Công Ngọc Kha tham gia hoạt động cách mạng, phục vụ kháng chiến. Từ đó, căn nhà trở thành nơi thường xuyên lui tới họp bàn của cán bộ cách mạng.

Do vị trí kín đáo, lại nằm trong vùng an toàn khu ở ngoại thành Hà Nội nên đồng chí Hoàng Tùng - cán bộ cách mạng hoạt động ở xã Phú Thượng lúc bấy giờ - đã chọn làm địa điểm dừng chân của Bác Hồ trong 3 ngày Người từ chiến khu Việt Bắc trở về Thủ đô Hà Nội.

Bác Hồ từng ngồi họp với Thường vụ
Trung ương Đảng trên bộ trường kỷ này.
Bác Hồ từng ngồi họp với Thường vụ Trung ương Đảng trên bộ trường kỷ này.
Từ chiều ngày 23 đến 25/8/1945, Bác Hồ từ Việt Bắc trở về và nghỉ lại ngôi nhà. Đi cùng Bác có các đồng chí trong Thường vụ Trung ương Đảng như: Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Trần Đăng Ninh.

“Hôm ấy, chiều 23/8/1945, khi đò cập bến cây gạo Phú Xá, có một đoàn khoảng 10 người đi tới. Trong đoàn có một ông cụ để râu, mắt sáng đi thẳng về nhà cụ Nguyễn Thị An. Theo như lời bố tôi (tức ông Công Ngọc Kha) kể lại, đêm đầu tiên ở nhà, ông cụ đã làm việc rất khuya. Cho đến khi bố tôi đi gác đêm về vẫn thấy ông cụ ngồi trên chiếc tràng kỷ để làm việc” - ông Công Ngọc Dũng chia sẻ.

Trong những ngày ở nhà cụ Nguyễn Thị An, Bác Hồ cùng các đồng chí trong Thường vụ Trung ương Đảng đã nghe báo cáo kết quả của Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước. Đồng thời, bàn việc ra mắt Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa tại Thủ đô Hà Nội.

Một góc bên trong ngôi nhà.
Một góc bên trong ngôi nhà.

Trước khi rời đi, ông cụ đã gặp tất cả những người trong gia đình cụ Nguyễn Thị An để nói lời cảm ơn. Chiều ngày 2/9/1945, gia đình cụ An ra Quảng trường Ba Đình dự lễ mít tinh, khi nghe giọng đọc qua loa phóng thanh, mọi người đã nhận ra người đang đọc Tuyên ngôn Độc lập chính là ông cụ đã ở trong nhà mình trước đó, nhưng không dám khẳng định. Sau này khi trở về, gia đình mới được thông báo, ông cụ đã ở trong nhà của gia đình chính là Bác Hồ.

Căn nhà hiện là Di tích quốc gia, có hai phòng hơn 10m2, trưng bày nhiều hình ảnh về Bác Hồ và cán bộ cách mạng qua các thời kỳ, cùng kỷ niệm của gia đình trong những năm tháng lịch sử. Tại ngôi nhà này, gia đình bà may mắn được đón nhiều bác lãnh đạo Trung ương và Hà Nội về thăm như: Bác Trường Chinh, Đỗ Mười, Võ Chí Công, Lê Đức Anh, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Lương Bằng, Lê Đức Thọ, Nguyễn Phú Trọng…

Học sinh trường THPT Chu Văn An tham quan Di tích
nhà số 6, ngõ 319, đường An Dương Vương.
Học sinh trường THPT Chu Văn An tham quan Di tích nhà số 6, ngõ 319, đường An Dương Vương.

Gia đình ông Công Ngọc Dũng được giao trách nhiệm trông coi ngôi nhà đến bây giờ, không chỉ có thế hệ trước mà cả các con, cháu trong gia đình hiện tại. Hiện gia đình vẫn duy trì nếp sinh hoạt thường niên, chọn ngày 23/8 hằng năm là ngày đoàn tụ. Bố mẹ kể cho con, ông bà kể cho cháu về những kỷ niệm trong ngôi nhà vinh dự có 3 ngày được Bác Hồ ghé thăm năm 1945.

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Ngôi nhà đầu tiên đón Bác Hồ khi về Thủ đô tại chuyên mục Góc nhìn của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Vì sao tớ yêu Tết?

Tết là khoảng thời gian tuyệt vời, khác hẳn với những ngày thường trong năm. Thế nhưng, với ...

Bài Góc nhìn khác