Những điều thú vị xoay quanh cây kẹo hồ lô nổi danh Trung Quốc

hueanh
Khi xem những bộ phim cổ trang Trung Quốc, ai cũng một lần cảm thấy thòm thèm trước cây kẹo hồ lô đỏ rực, óng ánh màu đường. Xung quanh loại kẹo “quốc dân” này còn rất nhiều điều thú vị mà không phải ai cũng đã khám phá hết.

Kẹo hồ lô hay còn gọi là Bingtanghulu là món ăn vặt đã có thương hiệu ở Trung Quốc. Nếu như điện ảnh Hàn Quốc quảng bá cả trăm loại kim chi thì phim cổ trang Trung Quốc không thể nào thiếu được món kẹo hồ lô này.

Theo ghi chép của Trung Quốc, kẹo hồ lô ra đời cách đây hơn 800 năm, xoay quanh một vị phi tần của vua Tống Quang Tông (1147 – 1200). Vị ái phi của vua Tống mắc phải một căn bệnh nan ý khó chữa, đến nỗi mà mọi thần y trong cung đều bỏ cuộc khiến nhà vua rất buồn. May thay trong dân gian xuất hiện một vị thần y, xin được cứu chữa cho vương phi bằng một phương thuốc lạ.

Phương thuốc lạ của vị thần y được làm từ quả táo gai.

Chẳng sử dụng những loại dược liệu quý hiếm, vị thần y này chỉ nhúng những quả táo gai vào nước đường đun nóng. Mỗi ngày, vương phi dùng từ 5 – 10 viên trước mỗi bữa ăn. Số táo này được chia thành các xiên nhỏ, mỗi xiên chỉ có hai viên, viên nhỏ nằm trên, viên to nằm dưới khiến người ta liên tưởng đến quả hồ lô nên lấy đó đặt làm tên.

Kỳ diệu thay, 2 tuần sau đó bệnh tình của nàng phi tần đã thuyên giảm trong sự ngỡ ngàng của nhà vua, thái y và các vị quan trong triều. Kể từ đó, phương thuốc này được lưu truyền rộng rãi và phổ biến trong dân gian như một món ăn vặt vừa ngon miệng vừa tốt cho sức khoẻ.

Không chỉ là một phương thuốc bình dân, kẹo hồ lô đỏ rực còn tượng trưng cho sự may mắn, tốt lành, đuổi tà, viên mãn, đầy đủ và sung túc. Chính vì vậy, thứ kẹo này không thể thiếu trong mỗi dịp lễ hội hay ngày đầu năm mới. Đặc biệt, ngày 9/1 hàng năm còn được chọn là ngày “Lễ hội kẹo hồ lô”. Lễ hội thường kéo dài cả tuần và thu hút đông đảo khách du lịch tham gia.

Dạo quanh các tuyến phố ở Trung Quốc, bạn không thể nào rời mắt khỏi những cây cột ghim đầy ắp những viên kẹo hồ lô ngọt ngào. Với sức mạnh của điện ảnh, tiếng tăm của món kẹo này đã lan toả mạnh mẽ khắp các cộng đồng trên thế giới.

Ngày nay, nguyên liệu làm kẹo hồ lô trở nên vô cùng đa dạng để đổi vị cho người dân địa phương cũng như hấp dẫn du khách nước ngoài. Ngoài táo gai, loại kẹo này còn được chế biến bằng nhiều thứ trái cây rực rỡ sắc màu như: kiwi, dâu tây, quýt, chuối, dứa, mận,... hay các loại mứt như: mứt đào, dạt dẻ, chà là,... Thậm chí, món ăn này còn được nâng cấp lên phiên bản mới: làm các loại nhân như đậu xanh, đậu đỏ rồi nhồi vào bên trong ruột các loại trái cây, tạo nên một món ăn vừa truyền thống vừa mới mẻ khiến thực khách thích thú.

Những phiên bản mới của kẹo hồ lô.

Mặc dù kẹo hồ lô không phổ biến ở Việt Nam, nhưng nếu muốn thưởng thức món kẹo này thì bạn hoàn toàn có thể thực hiện tại nhà. Đầu tiên, hãy chọn loại trái cây mà bạn thích, rửa sạch và bỏ hạt rồi xiên vào que. Sau đó nấu nước đường đến khi kéo sợi, nhúng xiên quả vào là bạn đã có một xiên hồ lô ngon tuyệt rồi. Nhưng nhớ lưu ý trong lúc nấu đường nhé. Nếu nhiệt độ thấp đường sẽ bị dính, còn nhiệt độ quá cao sẽ bị đổi thành màu nâu, làm mất đi màu sắc tự nhiên của trái cây và giảm độ ngon của món ăn.

Huệ Anh

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Những điều thú vị xoay quanh cây kẹo hồ lô nổi danh Trung Quốc tại chuyên mục Món ngon của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Món ngon khác

Độc đáo hương vị Tết cung đình

Tết này, chúng mình hãy cùng nhau đến thăm cố đô Huế - nơi còn lưu giữ dấu ấn của vương triều nhà Nguyễn, triều đại phong kiến cuối cùng của Việt Nam - để khám phá các loại bánh, mứt Tết đã xuất hiện trong ẩm thực cung đình xưa kia nhé!

Hương vị Tết xưa: Chua ngọt vị mứt me

Ngày nay, các món bánh, mứt, kẹo ngày Tết vừa đẹp về hình thức vừa phong phú về hương vị. Nhưng có một số món kẹo, mứt dân dã từ xa xưa vẫn không thể thiếu khi Tết đến xuân về trong mỗi gia đình.

Dẻo thơm chè lam xứ Đoài

Dịp Tết, nếu về xứ Đoài (vùng đất phía Tây Hà Nội), bạn sẽ được thưởng thức món bánh chè lam mộc mạc, dung dị nhưng đầy đủ hương vị: Thơm dịu của bột nếp, ngọt ngào của mật mía, cay nồng của gừng và bùi ngậy của lạc...