Những lầm tưởng về “sữa hạt”: Sai từ tên gọi đến cách dùng

hueanh
Sữa được xem là dịch tiết của động vật có vú và có thành phần đạm đủ tiêu chuẩn. Bởi vậy, loại đồ uống được định nghĩa là “sữa hạt” hiện này không được xem là sữa, mà chỉ là sản phẩm bổ sung dinh dưỡng.

Thời gian gần đây, nhiều gia đình bắt đầu chuyển sang dùng “sữa hạt” (sữa thực vật), phổ biến nhất là sữa đậu nành, sữa gạo, sữa ngô, sữa óc chó,... Nguyên nhân là vì sữa bò hiện nay còn tồn dư thuốc trừ sâu, thuốc kích thích tăng trưởng nên sẽ không tốt cho sức khoẻ, đặc biệt là với trẻ em. Theo chia sẻ của nhiều bậc phụ huynh, đạm và canxi trong thực vật dễ hấp thụ hơn so với trong sữa của động vật.  Bên cạnh đó, cách làm “sữa hạt” rất đơn giản nên các gia đình có thể tự làm ở nhà và gia giảm theo ý thích của mình.

Chia sẻ với Tri Thức Trực Tuyến, Bác sĩ Lê Thị Hải (Nguyên Giám đốc Trung tâm dinh dưỡng – Viện dinh dưỡng Quốc gia) cho hay, sữa từ các loại hạt chỉ được coi là sản phẩm bổ sung dinh dưỡng chứ không được coi là sữa. Bởi sữa phải là dịch tiết của động vật có vú và có thành phần đạm đủ tiêu chuẩn.

“Sữa hạt” được chia thành 2 nhóm: nhóm hạt giàu chất béo và đạm (hạnh nhân, óc chó...), nhóm hạt ngũ cốc (ngô, gạo, khoai,...)

“Dù các loại hạt rất giàu chất đạm và béo nhưng đều là những dưỡng chất có nguồn gốc thực vật, thường không có sự cân đối axit amin. Trẻ nhỏ nếu chỉ ăn sữa hạt sẽ bị thiếu sắt, kẽm và những axit amin thiết yếu do các vi chất dinh dưỡng có nguồn gốc thực vật thường khó hấp thu. Uống nhiều sữa hạt còn dẫn tới ức chế hấp thu sắt do quá nhiều thức ăn thực vật. Trong các loại hạt có nhiều canxi nhưng canxi thực vật khó hấp thu nên trẻ dùng thường xuyên có thể bị còi xương. Trẻ uống sữa hạt vẫn lên cân tốt và béo khỏe thường là những đứa trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn, tức sữa hạt chỉ là thức ăn bổ sung”, bác sĩ Lê Thị Hải nói.

Theo bác sĩ, việc sử dụng “sữa hạt” không hợp lý sẽ gây ra những ảnh hưởng xấu tới sức khoẻ của trẻ em. Nếu quá lạm dụng “sữa hạt”, trẻ em có thể rơi vào tình trạng suy dinh dưỡng, da xanh xao, thiếu tập trung và luôn trong trạng thái mệt mỏi. Đặc biệt, trẻ em có thể bị còi xương, biếng ăn, thiếu máu và hay ốm vặt nếu dùng “sữa hạt” thay thế hoàn toàn cho sữa động vật.

Sử dụng hoàn toàn “sữa hạt” sẽ không khác gì ép cơ thể “ăn chay”

Bên cạnh đó, các gia đình cần lưu ý rằng “sữa hạt” không thể là sản phẩm an toàn tuyệt đối bởi trong chính các loại hạt cũng vẫn có thể còn tồn dư thuốc bảo vệ thực vật và chất bảo quản chống mốc, mối mọt. Để cơ thể phát triển khoẻ mạnh, chúng ta cần sử dụng cân đối giữa đạm động vật (2/3 chế độ ăn) và đạm thực vật.

Cũng trong buổi giao lưu trực tuyến "Sữa hạt: Xu hướng thức uống dinh dưỡng mới và tư vấn từ chuyên gia dùng sao cho đúng" do báo Trí Thức Trẻ tổ chức, GS.TS.BS Lê Thị Hợp cho rằng, không nên thay thế hoàn toàn sữa hạt cho sữa tươi vì sữa tươi và “sữa hạt” khác nhau về thành phần nguyên liệu và giá trị dinh dưỡng. Người tiêu dùng nên kết hợp sử dụng cả hai dòng sản phẩm này để đa dạng thực phẩm, đảm bảo cân đối về mặt giá trị dinh dưỡng.

Huệ Anh

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Những lầm tưởng về “sữa hạt”: Sai từ tên gọi đến cách dùng tại chuyên mục Tư Vấn - Chia Sẻ của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Tư Vấn - Chia Sẻ khác

Bài tập mắt cho người cận thị

Thực hiện đều đặn các bài tập cận thị giúp lưu thông máu tốt hơn, tăng cường cử động nhãn cầu, thư giãn mắt, giảm nhức mỏi và hạn chế sự tiến triển của cận thị.