Theo Tri thức trực tuyến, một nghiên cứu của các nhà khoa học Hàn Quốc đã chỉ ra rằng việc thường xuyên ăn cơm một mình có thể làm tăng nguy cơ mắc hội chứng chuyển hóa như huyết áp cao, béo phì, mỡ máu.
Cuộc sống hiện đại khiến con người trở nên bận rộn hơn, quỹ thời gian trong ngày không đủ để dành cho những nhu cầu cá nhân. Xu hướng sống độc thân thay vì kết hôn hoặc chung sống với những người khác cũng vì thế phát triển theo, đặc biệt tại các quốc gia như Mỹ, Nhật, Hàn,…Theo thống kê, số người Mỹ sống độc thân đã tăng từ 5% dân số trong năm 1920 lên 27% vào năm 2013.
Hai nguyên nhân chủ yếu dẫn đến xu hướng sống độc thân là tuổi kết hôn ngày càng tăng và tỷ lệ ly hôn nhiều. Các chuyên gia lo ngại số người sống độc thân sẽ còn tăng trong những năm tới và gây ra ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống xã hội cũng như sức khỏe của đối tượng này.
Một nhóm các nhà nghiên cứu đến từ Bệnh viện Ilsan thuộc Đại học Dongguk (Seoul, Hàn Quốc) đã tiến hành nghiên cứu mối quan hệ giữa việc sống độc thân với tình trạng sức khỏe của nam giới và phụ nữ.
Kết quả cho thấy những người sống độc thân có nguy cơ mắc béo phì hoặc hội chứng chuyển hóa cao hơn những người sống cùng người thân. Nam giới là đối tượng có nguy cơ cao hơn phụ nữ.
Các nhà nghiên cứu đã tiến hành khảo sát 7.725 người trưởng thành về tần suất số bữa ăn một mình và đối chiếu với tình hình sức khỏe của họ. Cụ thể, nam giới thường xuyên ăn một mình sẽ có nguy cơ bị béo phì cao hơn 45%, trong khi đó con số này ở phụ nữ lại không có nhiều khác biệt. Đối với hội chứng chuyển hóa, nguy cơ mắc bệnh ở nam giới là 64%, phụ nữ là 29%.
Những kết quả này được các nhà nghiên cứu tính toán sau khi tổng hợp các yếu tố về lối sống như hút thuốc lá, sử dụng rượu bia, tuổi tác và số giờ làm việc mỗi tuần của những người độc thân.
Nguy cơ mắc bệnh sẽ giảm xuống khi những người tham gia điều chỉnh phong cách sống lành mạnh và khoa học.
Kết quả nghiên cứu này đã được công bố trên tạp chí Obesity Research & Clinical Practice.
Trước đây, các nhà khoa học đã chỉ ra rằng sự cô đơn có thể làm tăng việc tiêu thụ các loại thực phẩm không lành mạnh. Nếu một người có lối sống cô lập với xã hội, họ sẽ tiêu thụ nhiều ăn vặt để giảm cảm giác buồn chán thay vì ăn rau củ quả. Điều này sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và có thể làm tăng nguy cơ mắc huyết áp cao, mỡ máu, tiền tiểu đường, béo phì...
Làm thế nào để có một bữa ăn đảm bảo đủ chất dinh dưỡng?
Theo phó giáo sư Lê Danh Tuyên, Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, Bộ Y tế, bữa ăn của người Việt chưa đa dạng, chưa phối hợp nhiều loại thức ăn nên tình trạng thiếu các vi chất dinh dưỡng khá phổ biến. Chẳng hạn kẽm là một ví dụ. Thống kê cho thấy những nước ăn ngũ cốc chủ yếu (chiếm 70-80% năng lượng) như nước ta hiện nay thì kẽm trong khẩu phần thấp. Lý do vì vi chất này nằm chủ yếu trong thịt. Người Việt chủ yếu ăn cơm, rau là chính, thức ăn động vật ít, nguồn kẽm đưa vào thấp.
Bên cạnh đó, lysine cũng là vi chất thường bị thiếu thụt ở những nước khẩu phần ăn chủ yếu dựa vào ngũ cốc. Nó cũng dễ bị phá hủy trong quá trình chế biến nấu nướng thức ăn và cơ thể không thể tổng hợp được lysine. Thức ăn giàu lysine là trứng, sữa, thịt, cá, các loại đậu, nhất là đậu nành.
Một bữa ăn gia đình hợp lý phải đảm bảo đáp ứng các đủ các nhu cầu về năng lượng và các chất dinh dưỡng cần thiết. Trong đó, nên đảm bảo đủ 4 nhóm thực phẩm, đa dạng hóa và phối hợp thực phẩm nguồn gốc động vật và thực vật hợp lý.
Cụ thể, nhóm thực phẩm giàu tinh bột cung cấp năng lượng, gúp cơ thể hoạt động và phát triển. Nhóm thực phẩm giàu chất béo cung cấp năng lượng, hỗ trợ hấp thu các loại vitamin tan trong dầu, mỡ như A, D, E, K… giúp cơ thể hoạt động và tăng trưởng. Nhóm các chất đạm giúp xây dựng cơ thể, tăng cường sức đề kháng để cơ thể phát triển khỏe mạnh, (nguồn gốc động vật và thực vật như các loại đậu, sữa). Các thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất giúp bảo vệ cơ thể và tăng cường sức khỏe, chống lại bệnh tật. Ngoài ra, cần lưu ý uống đủ lượng nước hằng ngày, mỗi người nên uống ít nhất 2 lít nước mỗi ngày.
Dưới đây là một số gợi ý của các chuyên gia Viện Dinh dưỡng Quốc gia, Bộ Y tế để có một bữa ăn gia đình hợp lý:
- Nên tăng cường ăn thực phẩm tươi và các món luộc. Ăn nhiều rau củ trái cây, đảm bảo ăn ít nhất 400g/người/ngày.
Không ăn thừa muối, không nên ăn quá 5g/người/ngày. Hạn chế cho muối và gia vị chứa nhiều muối vào thực phẩm khi nấu ăn, hạn chế chấm thức ăn vào muối và gia vị chứa nhiều muối khi ăn.
Hạn chế lựa chọn các thực phẩm chế biến sẵn khi mua, nấu và ăn cũng như các thực phẩm nhiều chất béo, không sử dụng dầu mỡ rán lại nhiều lần. Ngoài ra cũng nên hạn chế ăn, uống đồ ngọt, các loại nước ngọt đóng chai, rượu, bia.
- Tránh việc mất các loại vitamin và khoáng chất trong rau củ khi chế biến bằng cách: rau và củ, quả tươi nên được dùng ngày trong ngày. Nếu không dùng trong ngày nên bảo quản nơi thoáng mát hoặc trong tủ lạnh. Chỉ thái rau, củ sau khi rửa sạch và ngay trước khi nấu. Không nên nấu rau củ trong thời gian dài.
- Cần phối hợp thức ăn trong bữa ăn cho các thành viên trong gia đình một cách hợp lý. Người già và trẻ nhỏ nên được ưu tiên các thức ăn giàu dinh dưỡng và dễ tiêu hóa. Trẻ em gái vị thành niên, phụ nữ mang thai, cho con bú cần ăn nhiều các thực phẩm giàu sắt.
- Để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cần lưu ý không để thực phẩm đã nấu chín tiếp xúc với thực phẩm sống. Cần dùng riêng thớt do thực phẩm sống và chín, rau củ quả phải được rửa sạch trước khi sử dụng, nên rửa dưới vòi nước chảy.
Nên để riêng thịt, cá, nội tạng động vật sống, tránh tiếp xúc với các loại thực phẩm khác. Thịt cá, phủ tạng phải được nấu kỹ trước khi ăn. Thịt phải nấu đến khi không còn nước đỏ chảy ra từ trong miếng thịt. Không sử dụng các loại trứng đã bị vỡ, dập vỏ. Luộc trứng chín kỹ, không ăn trứng sống và trứng lòng đào.
- Thức ăn nên được sử dụng ngay sau khi nấu chín. Nếu chưa dùng ngay, thức ăn chín phải được đậy kín và để ở nhiệt độ phòng không quá 2h. Thức ăn chín nếu chưa dùng ngay phải được bảo quản trong tủ lạnh và phải được đun sôi trước khi dùng.
Minh Phương (tổng hợp)