Những thói quen tưởng như vô hại bạn làm khi rảnh tay có thể gây hại thế nào?

Việt Chinh (Tổng hợp)
Nặn mụn đầu đen, ngoáy mũi, cắn móng tay,... là những thói quen nhiều người hay làm khi “ngứa tay” nhưng lại có nguy cơ gây ra những vấn đề nguy hại cho sức khỏe.

Ngoáy mũi

Nhiều bạn thường có thói quen này mỗi ngày. Đôi khi là vì ngứa, khó chịu hay có khi chỉ… quá rảnh. Bạn cần phải bỏ ngay thói quen xấu xí này. Nó chẳng những trông không được đẹp mắt mà còn rất mất vệ sinh. Khi ngoáy mũi, phần da bên trong mũi dễ bị rách, xước, chảy máu. Trong khi đó, ngón tay của bạn có thể đang đầy vi khuẩn, bụi bẩn, mồ hôi sẽ khiến mũi bạn có thể bị nhiễm trùng.

Hành động này còn có thể làm rụng lông mũi - thứ có tác dụng bảo vệ mũi khỏi khói bụi đi vào trong mũi.

Cắn móng tay

Khi rảnh rỗi hoặc khi căng thẳng, hồi hộp, nhiều người có thói quen cắn móng tay một cách vô thức. Đối với nhiều người nó thậm chí là một hội chứng, một bệnh gây nghiện, không thể từ bỏ. Hành động này vô tình tạo ra vết thương nhỏ ở ngón tay, rách da tay và dễ gây viêm da.

Nặn mụn đầu đen

Các bạn trẻ rất hay soi gương và tự nặn mụn đầu đen, mụn cám ở mũi. Thậm chí, dù không có gương họ vẫn sờ tay lên mũi, cạy mụn. Bàn tay của bạn không phải lúc nào cũng sạch sẽ, nó có đầy mồ hôi, bụi bẩn. Ngay cả khi bạn rửa tay tưởng như sạch nhưng vẫn ẩn chứa những vi khuẩn mà bạn không thể thấy bằng mắt thường trên bàn tay, ngón tay, móng tay. Khi bạn đưa tay lên nặn mụn thì vi khuẩn có cơ hội tiếp xúc và tấn công vào ổ nang lông, gây ra tình trạng viêm nhiễm.

Chọc vỡ phần rộp trên tay chân

Mỗi khi nhìn thấy những nốt phồng rộp hay những vết thương đang đóng vảy, bạn thấy ngứa ngáy và “ngứa mắt” chỉ muốn chọc vỡ hay lột chúng ra. Các vết này nếu để yên có thể tự khỏi và không để lại tàn dư trên da. Nhưng nếu bạn nôn nóng động vào chúng, phá vỡ chúng thì có thể gây nhiễm trùng và vết thương lâu khỏi hơn.

Cắn đồ vật cứng

Những người thích cắn bút, kẹp giấy, bút chì hoặc các vật rắn khác thường có vấn đề nghiêm trọng về men răng. Bạn cũng đặt mình vào nguy cơ bị gãy, vỡ răng cao hơn, thậm chí có thể làm tổn thương hàm hoặc vô tình nuốt phải dị vật cứng. Ngoài ra, nguy cơ nhiễm trùng tăng cao từ thói quen này. Đó là lý do bạn không nên cố gắng mở chai, nhai đá bằng răng.

Đọc sách khi nằm

Nếu bạn đọc sách trên giường, cố gắng đừng để sách quá gần mắt, không gù lưng và căng cơ cổ. Ngoài ra, không được nằm nghiêng để đọc vì khoảng cách tới cuốn sách liên tục thay đổi và mắt sẽ phải làm việc nhiều hơn. Ngoài ra, bạn cũng không được nằm sấp vì nó có thể làm hỏng cột sống.

Ngồi chéo chân

Thói quen này có thể làm gia tăng huyết áp tạm thời tới 10%. Ngoài ra, ngồi chéo chân cũng gia tăng áp lực lên các khớp hông, làm tổn thương dây thần kinh hông, có thể dẫn tới suy giãn tĩnh mạch. Nguyên nhân là tư thế này gây áp lực lên tĩnh mạch, làm gia tăng nguy cơ bị tụ máu. Cách khắc phục là bạn có thể chuyển sang bắt chéo tại khu vực cổ chân để không gây áp lực lên tĩnh mạch.

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Những thói quen tưởng như vô hại bạn làm khi rảnh tay có thể gây hại thế nào? tại chuyên mục Cẩm nang của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Cẩm nang khác

10 xu hướng chọn thực phẩm tốt cho sức khỏe năm 2024

Theo các chuyên gia y tế, các lành mạnh được đưa lên hàng đầu trong năm 2024 và tương lai, nhằm tránh nguy cơ phát triển các bệnh mãn tính. Chế độ ăn uống tác động rất lớn đến hoạt động hằng ngày, mức năng lượng, thậm chí cả tâm trạng và sức khỏe tâm thần.