Nỗi khổ nhiệt miệng làm sao để chấm dứt?

Việt Chinh
Nhiệt miệng thường xuyên khiến bạn khổ sở vì đau và khó khăn trong chuyện ăn uống. Những cách chữa dưới đây sẽ giúp bạn “tiêu diệt” nhiệt miệng nhanh chóng và an toàn.

Vì sao bạn bị nhiệt miệng?

Nhiệt miệng có thể có nguyên nhân là di truyền hoặc do dùng chung vật dụng hàng ngày với người đang bị bệnh. Biểu hiện của nó là những vết loét nhỏ, nông ở những mô mềm bên trong má hoặc môi, bên dưới lưỡi hoặc trên nướu. Chúng thường có hình tròn hoặc oval, màu trắng hoặc hơi vàng ở giữa, đỏ ở viền xung quanh. Những vết loét này gây đau nhức, khó chịu cho người bị và đặc biệt đau khi bạn ăn hoặc nói. Bạn có thể bị sốt hoặc sưng hạch bạch huyết với những trường hợp nặng.

Nhiệt miệng thường tự khỏi sau 1 - 2 tuần và không để lại sẹo. Tuy nhiên, nó có thể thường xuyên quay lại sau một thời gian nhất định khiến bạn khó chịu.

Nguyên nhân của nhiệt miệng có thể là do cơ địa tùy người. Ngoài ra, việc ăn những thực phẩm gây tổn thương vùng miệng như đồ ăn chua cay, tổn thương do vệ sinh răng miệng cũng có thể là nguyên nhân. Thay đổi hormone, nhiễm vi khuẩn gây viêm loét dạ dày tá tràng Helicobacter pylori hoặc căng thẳng, thiếu vitamin B, kẽm, axit folic hoặc sắt cũng góp phần dẫn đến tình trạng nhiệt miệng.

Cách chữa và lưu ý khi bị nhiệt miệng

Chườm lạnh

Dùng khăn bọc đá lạnh để chườm những khu vực bị nhiệt miệng là cách để làm dịu vết đau một cách hiệu quả. Ngoài ra bạn có ngậm một viên đá nhỏ để đỡ đau nếu vùng bị nhiệt không thể chườm bằng khăn lạnh. Lạnh sẽ làm chậm lượng máu đến vết loét và giảm đau, sưng viêm.

Tự pha nước súc miệng

Pha một muỗng cà phê baking soda (muối nở) với hai muỗng nước ép lô hội (nha đam) vào nửa cốc nước ấm rồi súc miệng ít nhất 10 giây. Tiếp tục nhấp thêm vài ngụm nước và súc miệng tiếp. Bạn nên thực hiện mỗi ngày một lần đến khi hết hẳn nhiệt miệng. Rất đơn giản nhưng hiệu quả, cách này sẽ giúp bạn giảm đau và giảm viêm nhanh chóng.

Chú ý ăn uống

Bạn nên ăn các thực phẩm mang tính mát và hạn chế tối đa đồ nướng, chiên rán, cay nắng hoặc chua. Những thực phẩm bạn nên ăn khi nhiệt miệng là rau xanh, bột sắn dây, các loại đậu đỗ, sữa chua, rau má, nước ngô, nước dừa,...

Tăng cường vitamin B, sắt

Bạn nên bổ sung các loại vitamin B, nhất là vitamin B12 để giảm tình trạng nhiệt miệng và ngăn ngừa nó quay trở lại. Thiếu vitamin B1 cũng làm tăng nguy cơ mắc nhiệt miệng.

Bạn có thể bổ sung vitamin B và sắt thông qua chế độ ăn uống hàng ngày của mình.

Giấm táo

Bạn có thể pha giấm táo với nước ấm, tỷ lệ bằng nhau và dùng hỗn hợp này để súc miệng hàng ngày giúp tình trạng nhiệt miệng của bạn được cải thiện nhanh chóng. Giấm táo có chứa axit axetic, có khả năng tiêu diệt vi khuẩn và tăng lợi khuẩn, có vai trò tương đương một loại kháng sinh tự nhiên hữu ích khi bạn nhiệt miệng.

Trà đen

Dùng túi trà lọc đã pha rồi đắp lên vết loét có thể  giúp bạn giảm đau và viêm do trong đó có chất tanin.

Viên ngậm kẽm

Thiếu kẽm có thể là một trong những nguyên nhân dẫn đến nhiệt miệng. Bổ sung kẽm bằng cách ngậm một viên kẽm tốt có thể giúp bạn nhanh chóng chữa bệnh nhiệt miệng. Tuy nhiên, nếu muốn bổ sung kẽm dài hạn thì bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ.

Không dùng các loại nước súc miệng, kem đánh răng chứa Sodium Lauryl Sulfate

Các loại nước súc miệng và kem đánh răng có chứa chất này sẽ tạo nhiều bọt và có thể khiến bạn bị nhiệt miệng hay nặng thêm tình trạng nhiệt miệng mà bạn đang bị.

Một nghiên cứu được tiến hành ở Na Uy chỉ ra mối quan hệ giữa Sodium Lauryl Sulfate và tỷ lệ mắc nhiệt miệng. Người ta thấy rằng hiệu ứng biến tính của chất này trên lớp niêm mạc miệng, tiếp xúc với các tế bào biểu mô cơ, làm gia tăng nhiệt miệng.

Khi nào cần gặp nha sĩ?

Bạn nên hẹn gặp bác sĩ nếu bị nhiệt kèm theo sốt, tiêu chảy, nhức đầu hoặc phát ban ở da. Nếu vết loét lớn một cách bất thường, kéo dài hơn hai tuần, khoét sâu vào môi mình hoặc tiết dịch quá thường xuyên, thì cách tốt nhất là đi khám.

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Nỗi khổ nhiệt miệng làm sao để chấm dứt? tại chuyên mục Cẩm nang của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Cẩm nang khác

Vì sao gọi gấc là "loại quả đến từ thiên đường"

Quả gấc là một trong những thực phẩm được sử dụng nhiều trong ẩm thực của người Việt bởi tính chất thơm, ngon. Mặt khác, đây cũng là loại "quả vàng" mà nước ta đang sở hữu với những tác dụng tuyệt vời cho sức khoẻ vì những hàm lượng cao chất dinh dưỡng và hoạt chất phòng bệnh.

Khi đói cần tránh ăn những loại quả nào?

Trái cây là món quà của thiên nhiên dành cho sức khỏe của chúng ta. Tuy nhiên, việc chọn lựa thời điểm ăn trái cây cũng quan trọng không kém việc chọn loại trái cây nào phù hợp với cơ địa của mỗi người.