![](https://medianews.thieunien.vn/uploads/2025/02/10/a-nh-ma-n-hi-nh-2025-02-10-lu-c-10-1739158690.png)
Nghiên cứu do Tiến sĩ Andy Wang từ Trung tâm Quốc tế về Thiên văn Vô tuyến (ICRAR) tại Đại học Curtin dẫn đầu, tập trung vào các cơn bùng phát vô tuyến nhanh – những chớp năng lượng mạnh xuất hiện trong thời gian cực ngắn. Một số bùng phát có thể giải phóng năng lượng tương đương với toàn bộ năng lượng Mặt Trời tỏa ra trong một ngày chỉ trong một khoảnh khắc.
Nhóm nghiên cứu đã phát triển hệ thống CRACO, sử dụng máy tính và bộ xử lý mạnh để phân tích hàng nghìn tỷ pixel dữ liệu từ kính viễn vọng vô tuyến ASKAP tại CSIRO (Tổ chức Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp Khối thịnh vượng chung) ở Tây Australia. Tiến sĩ Wang cho biết: "CRACO giúp chúng tôi tìm kiếm các cơn bùng phát này nhanh hơn bao giờ hết. Hệ thống hiện có thể quét 100 lần mỗi giây và trong tương lai có thể đạt đến 1.000 lần mỗi giây."
Trong quá trình thử nghiệm, hệ thống đã phát hiện hai tín hiệu vô tuyến nhanh, hai ngôi sao neutron phát xạ không đều và xác định chính xác vị trí của bốn sao xung – những tàn dư sao quay tròn phát ra chùm năng lượng theo chu kỳ. Đáng chú ý, CRACO còn ghi nhận hơn 20 cơn bùng phát vô tuyến nhanh khác, mở ra cơ hội nghiên cứu sâu hơn về những tín hiệu kỳ lạ từ vũ trụ.
Các nhà khoa học tin rằng những cơn bùng phát vô tuyến nhanh có thể di chuyển hàng tỷ năm ánh sáng, mang theo thông tin về cách vật chất phân bố trong không gian. Điều này giúp lập bản đồ các cấu trúc vũ trụ mà phương pháp quan sát truyền thống không thể phát hiện.
CRACO sẽ sớm được tích hợp vào Cơ sở Kính viễn vọng Quốc gia Australia, cho phép các nhà khoa học trên toàn cầu tiếp cận và nghiên cứu các tín hiệu vô tuyến nhanh cùng nhiều hiện tượng thiên văn bí ẩn khác. Công nghệ này được kỳ vọng sẽ giúp khám phá thêm về quá trình hình thành sao, sao neutron và thậm chí cả hoạt động của hố đen.