Gần đây, ngày càng nhiều vụ việc trẻ bị bạo hành ở trường hay bởi người trông trẻ bị đưa ra ánh sáng. Điều đó nói lên thực tế đáng báo động trong việc chăm sóc và bảo vệ trẻ em ở Việt Nam hiện nay.
Tuy nhiên, phần lớn thời gian trong ngày của trẻ dành ở trường học hay cùng với người trông trẻ, ngay cả khi có camera giám sát, phụ huynh cũng khó lòng dõi theo hết hoạt động trong ngày của trẻ. Bởi vậy, nhiều trường hợp trẻ bị bạo hành chỉ được phát hiện khi sự việc đã có hậu quả nghiêm trọng.
Theo các chuyên gia tâm lý, trẻ bị bạo hành không chỉ chịu nỗi đau về thể xác, mà còn phải chịu những sang chấn tâm lý kéo dài, ảnh hưởng đến quá trình phát triển và trưởng thành của trẻ. Người lớn cần phải có những phương pháp và kỹ năng phù hợp, để cùng con trẻ vượt qua khủng hoảng.
Dấu hiệu nhận biết trẻ bị sang chấn tâm lý vì bị bạo hành ở trường
Bác sĩ Lê Đào Nghĩa, Phó trưởng Khoa Nhi và Tâm lý lâm sàng, Bệnh viện tâm thần Ban ngày Mai Hương, trẻ nhỏ, nhất là lứa tuổi mầm non, thường khá nhạy cảm vì có sự thay đổi môi trường từ gia đình sang một môi trường mới lạ.
Trẻ thường xuyên bị giáo viên đánh đập rất dễ bị sang chấn, rối loạn hoảng sợ, dễ rơi vào trầm cảm, rối loạn giấc ngủ…
“Khi trẻ nhỏ gặp phải sang chấn thường không nói được như người lớn nên rất dễ bị rơi vào trầm cảm. Triệu chứng điển hình là bé không thích vui chơi, luôn có cảm giác sợ hãi, ngủ không ngon giấc (hay mê ngủ), ăn ít, sợ đi học, hay nôn…”, bác sĩ Nghĩa cho biết.
Khi phát hiện trường hợp trẻ bị bạo hành, theo như ý kiến của bà Lê Thị Hoàng Yến – Phó ban tư vấn hỗ trợ Bảo vệ Quyền trẻ em, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam: “Khi gặp phải những vấn đề này thì trước hết các bậc phụ huynh hãy bình tĩnh để các cơ quan chức năng có thể tìm ra một phương pháp nào tốt nhất để bảo vệ trẻ, không những bảo vệ con mình mà có thể bảo vệ những trẻ em khác. Đồng thời hãy phối hợp với các cơ quan chức năng để có thể cung cấp được càng nhiều những bằng chứng tốt nhất, sau đó có thể tiến hành các thủ tục tố tục để cac cơ quan có thẩm quyền xác minh, làm rõ và xử lý đến cùng.”
Theo các chuyên gia tâm lý, thì các bậc phụ huynh hãy cùng con vượt qua giai đoạn khó khăn này. Hãy giúp các con lấy lại tình cảm yêu thương thì chính những người thân, từ những người thầy cô giáo để xây dựng lại một hình tượng người thầy, người cô tốt đẹp trong lòng các con, để giúp các con có thể vượt qua được những tổn thường về mặt tâm lý.
Minh Phương (tổng hợp)