Tổ hợp KymViet Space nằm trên đường Trung Văn (Hà Nội) đã đi vào hoạt động từ năm 2020. Nơi đây không chỉ là một quán cà phê mà còn được gộp với xưởng sản xuất đồ thủ công từ năm 2013 và không gian trưng bày sản phẩm trên diện tích 450m2 với 2 tầng. Ở tầng 1 của quán có chỗ ngồi trong nhà và ngoài sân. Ngoài cơ sở này, quán còn 2 cơ sở khác với hơn 30 nhân viên, phần lớn đều là người khuyết tật, đặc biệt là người điếc.
Đến với quán cafe này, bạn sẽ thấy bất ngờ trước cách giao tiếp của nhân viên. Khách hàng được tham khảo thực đơn đồ uống bên cạnh tên món là ngôn ngữ ký hiệu để thực hiện thao. Mỗi một bàn đều có một nút bấm phát đèn sáng để nhân viên biết khách cần hỗ trợ. Ngoài ra, quán cà phê còn có những tấm thẻ ngôn ngữ ký hiệu như Cảm ơn, Xin chào,... để khách dễ dàng giao tiếp.
Một điểm đặc biệt nữa ở tổ hợp KymViet Space là trên những bức tường, chiếc bàn, kệ tủ đều trưng bày các sản phẩm thủ công như túi xách, thú nhồi bông với màu sắc đa dạng, đường nét tinh xảo. Trên mỗi sản phẩm có mùi thơm của tinh dầu và chúng chính là thành phẩm của những nhân viên ở đây.
Được biết, chủ tịch HĐQT công ty Kym Việt là anh Phạm Việt Hoài. Năm 7 tuổi, anh bị tai nạn khiến đôi chân bị liệt và phải ngồi xe xe lăn. Bản thân mình như vậy nên anh Hoài hiểu rõ được việc người khuyết tật luôn thiếu tự tin, cảm thấy mình không may mắn.
Năm 2013, khi thành lập doanh nghiệp xã hội, anh Hoài mong muốn được góp một phần nhỏ giúp thay đổi nhận thức của cộng đồng về người khuyết tật. Họ không phải là những người đáng thương hay gánh nặng mà có khát vọng lao động, cống hiến cho xã hội bằng các sản phẩm, dịch vụ được chấp nhận.
Hay đơn giản hơn, khách đến đây sẽ gọi họ đúng với cái tên "cộng đồng người điếc" thay vì "khiếm thính". "Chúng ta là những người khuyết tật nhưng không để sản phẩm chúng ta là những sản phẩm khuyết tật", anh Hoài nói về phương châm hoạt động. Chính vì thế, anh đã xây dựng nên một xưởng sản xuất đồ thủ công, tổ hợp cà phê để tạo việc làm cho người khuyết tập.
Từ năm 2020, tổ hợp đã đón hàng trăm khách tới tham quan, trải nghiệm và kết hợp tour thăm làng lụa Vạn Phúc (Hà Đông). Ở đây không chỉ học ngôn ngữ ký hiệu để giao tiếp với nhân viên, bạn sẽ được trải nghiệm làm đồ lưu niệm và thưởng thức những món đồ uống hấp dẫn, món ăn đặc sản vùng miền.
Theo anh Hoài, hiện ở Việt Nam có hơn 2 triệu người điếc, là một lực lượng lao động tiềm năng. Họ chỉ có rào cản duy nhất là giao tiếp nhưng cũng dễ xóa bỏ nếu như có phương tiện hỗ trợ. Hiện nay 3 cơ sở chỉ có duy nhất một quản lý còn lại tất cả nhân sự được trao quyền tự quyết định trong công việc. Anh Hoài cũng đã xác định lập ra một "công ty bình thường" chứ không "lấy cái khuyết tật của mình để xin người mua", vì thế anh và nhân viên luôn làm việc bằng tất cả tâm huyết, tình cảm.
(Nguồn: VnExpress)