Sinh viên truyền nhau bí kíp ăn mì gói, động viên nhau "chiến đấu với Cô Vi" trong những ngày mắc kẹt ở TP.HCM

Thu Trà
Sinh viên ở trọ bị kẹt lại TP.HCM gặp nhiều khó khăn khi thực phẩm ngày càng tăng giá, gia đình ở quê rơi vào cảnh dịch bệnh nên mong muốn nhận được hỗ trợ ngay lúc này vì “về không được, ở không xong”.

Khi TP.HCM thực hiện lệnh giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, nhiều sinh viên kẹt lại thành phố hoặc khu vực giáp ranh với thành phố đang rơi vào hoàn cảnh khó khăn khi không thể ra ngoài mua thực phẩm do chốt chặn, tiền chi tiêu không còn nhiều và rau củ khan hiếm.

Sinh viên truyền nhau bí kíp ăn mì gói, động viên nhau
Sinh viên tình nguyện phân chia thực phẩm thành từng phần trước khi chuyển đến sinh viên khó khăn - Ảnh: V.T.

Chia sẻ "bí kíp ăn mì gói không nổi mụn", lạc quan vượt qua đại dịch

Trên nhiều diễn đàn dành cho sinh viên, câu chuyện xung quanh việc ăn mì dài ngày nhưng không gây nóng, không gây nổi mụn đang được quan tâm nhất những ngày gần đây. Nhiều "chuyên gia" ăn mì dài ngày đã chia sẻ bí kíp, cách ăn "đúng đắn" để không ngán và hạn chế mụn.

Có bạn cho rằng nên ăn mì với nhiều rau, kết hợp uống nhiều nước. Có bạn thì nhiệt tình chia sẻ bí kíp ăn mì ròng rã cả tháng của mình với cách trụng mì để loại bỏ dầu chiên không tốt cho sức khoẻ, sử dụng gia vị sẵn có như: muối, mì chính để pha mì chứ không dùng gói súp trong bao mì.

Sinh viên truyền nhau bí kíp ăn mì gói, động viên nhau
Đằng sau câu hỏi xin bí kíp ăn mì gói không nổi mụn, cũng chính là hoàn cảnh của hàng trăm sinh viên "mắc kẹt" tại TP.HCM trong mùa dịch. (Ảnh chụp màn hình)

Tưởng rằng đây chỉ là câu hỏi vu vơ, nhưng thực tế đằng sau đó chính là hoàn cảnh của nhiều sinh viên phải đối diện trong đợt dịch này. "Ăn nhiều mì gói đến nỗi, nghĩ đến là em nổi da gà", Bích Yên (sinh viên Trường cao đẳng Kinh tế TP.HCM) cho biết. Tuy nhiên, nhiều sinh viên vẫn lạc quan chia sẻ, với điều kiện dịch bệnh hiện tại thì "có mì gói để ăn là rất hạnh phúc rồi, bị nổi mụn chút cũng không sao".

"Miễn sao an toàn chờ ngày hết dịch"

Nhiều sinh viên tỉnh khác "mắc kẹt" ở TP.HCM đang đối mặt với hàng loạt khó khăn trong cuộc sống. Trước đại dịch, nhiều bạn phải tự bươn chải để có tiền trang trải, lo chi phí ăn uống, thuê trọ vì hoàn cảnh gia đình khó khăn. Dịch bùng phát, phần lớn các bạn không muốn trở về quê vì phải cách ly, đồng thời có nguy cơ mang theo dịch bệnh, nên vẫn bám trụ lại thành phố.

Sinh viên truyền nhau bí kíp ăn mì gói, động viên nhau
Sinh viên Trường đại học Tài chính - Marketing nhận nhu yếu phẩm của trường từ khu phong tỏa. (Ảnh: Kim Phụng)

Sinh viên H.T.N (quê ở Đắk Lắk), sinh viên Trường ĐH Nguyễn Tất Thành cho hay, nhà nghèo nên khi vào đại học là cậu bạn đi làm thêm, vừa bưng bê phụ quán, vừa làm gia sư để có tiền. H. nói: "Khá xui là đợt dịch này, khu trọ nơi mình ở có trường hợp F0 nên bị phong toả. Sợ gia đình lo lắng, mình không dám nói, bố mẹ hỏi thăm thì chỉ bảo con vẫn ổn".

N. nói thêm, thời điểm này ai cũng khó khăn như ai, sinh viên dù vất vả chút nhưng không quá nhiều có gánh nặng như những gia đình lao động ở TP.HCM. "Hơn nữa, tụi mình cũng nhận được sự quan tâm của đoàn trường, thành đoàn và nhiều mạnh thường quân cũng như các nhóm hỗ trợ. Nếu được cho gạo thì ăn cơm, cho mì ăn mì, miễn sao an toàn chờ ngày hết dịch", H. cho biết.

 

 

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bài liên quan

Bài Phóng Viên Nhỏ khác

Những sứ giả của Nha Trang

Những sứ giả ấy là các thí sinh tham gia cuộc thi “Người dẫn chương trình về Nha Trang hay nhất năm 2024” do Đài PH-TH Khánh Hòa tổ chức nhằm chào mừng Kỷ niệm 100 năm xây dựng và phát triển TP. Nha Trang (1924 - 2024), 15 năm Nha Trang trở thành đô thị loại 1 trực thuộc tỉnh Khánh Hòa (2009 - 2024).