Sởi, cúm chờ cơ hội bùng phát

Thúy Quỳnh
Trước những thông tin về tình hình dịch bệnh trên thế giới cũng như trong khu vực của Tổ chức Y tế thế giới, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) vừa đưa ra khuyến cáo trong việc chăm sóc sức khỏe trẻ em những ngày cận Tết.

Theo đó, cúm và sởi đang có xu hướng quay trở lại và tấn công nhiều người, đặc biệt là trẻ em nên người lớn cần nâng cao kiến thức trong việc nhận biết dấu hiệu của bệnh, đồng thời chủ động đưa trẻ đi tiêm phòng.

Có mặt ở mọi nơi

Là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus gây ra, sởi được các chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới nhận định là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ em. Hiện bệnh có mặt ở nhiều nước trên thế giới. Tại Philippines đang ghi nhận sự gia tăng các trường hợp mắc từ cuối năm 2017 và tháng đầu năm 2018 (trên 200 ca mắc). Hầu hết bệnh nhân đến từ khu vực có mật độ dân số cao.

Tương tự, cúm mùa cũng liên quan đến virus. Người mắc bệnh có biểu hiện đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, sổ mũi, ho và đau họng. Hiện có nhiều chủng virus lưu hành trong cộng đồng như cúm A/H3N2, cúm A/H1N1 và cúm type B, C. Là bệnh lây truyền trực tiếp nên chỉ cần một người mắc bệnh, các thành viên trong gia đình, cơ quan, lớp học sẽ đối mặt với nguy cơ mắc. Cúm là bệnh tự khỏi khi người bệnh nghỉ ngơi, bổ sung dinh dưỡng để tăng sức đề kháng. Đây cũng là bệnh được coi là phổ biến, lặp đi lặp lại hàng năm nhưng không vì thế được coi nhẹ bởi tỷ lệ tử vong do bệnh này vẫn tương đối cao.

Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, bệnh nặng hay nhẹ phụ thuộc và cơ thể của mỗi người. Với người khỏe mạnh, bệnh có thể chỉ thoảng qua hoặc không có biểu hiện rõ ràng. Nhưng với trẻ em, người già, người mắc bệnh mãn tính, bệnh có thể diễn biến nặng hơn, gây ra biến chứng liên quan đến tim, phổi, tiêu hóa dẫn đến tử vong. Do vậy, mỗi năm thế giới vẫn ghi nhận 5 - 10% người trưởng thành và 20 - 30% trẻ mắc ở thể nặng, trong đó có khoảng 250 - 500 nghìn người tử vong.

Ở nước ta, qua giám sát trọng điểm trong 10 năm, Bộ Y tế ghi nhận mỗi năm có từ 1 - 1,8 triệu người mắc cúm, trong đó chủng cúm phổ biến nhất là H3N2, H1N1 và cúm type B. Bệnh xuất hiện rải rác quanh năm nhưng thường tăng đột biến vào mùa đông và mùa xuân. Với sởi, sau vụ dịch năm 2014, hiện Hà Nội vẫn là “điểm đến” của căn bệnh này. Ghi nhận của Sở Y tế Hà Nội, 3 tuần đầu tháng 1, thành phố có 6 trường hợp được chẩn đoán dương tính với sởi.

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút sởi gây ra và là một trong các nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ em. Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới, năm 2016 có khoảng 89.780 trường hợp tử vong do sởi, hầu hết xảy ra ở trẻ em dưới 5 tuổi.

Ngay trong những tuần đầu tiên của năm 2018, dịch sởi đã bùng phát tại một số địa phương của nhiều quốc gia trên thế giới.

Chủ động bảo vệ mình

Năm nào cũng vậy, thời tiết mùa đông xuân cùng với các hoạt động chuẩn bị đón Tết Nguyên đán, tham gia lễ hội như động lực tiếp thêm cho các tác nhân có hại sinh sôi, phát triển. Để đảm bảo sức khỏe cho người dân trong dịp này, Bộ Y tế đã có công văn yêu cầu các địa phương, các Bộ, ngành liên quan chủ động triển khai biện pháp phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt việc sử dụng, kinh doanh, vận chuyển gia cầm và sản phẩm gia cầm.

Còn theo Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Trần Đắc Phu, tác nhân gây bệnh có mặt ở khắp nơi nên không gì tốt bằng việc người dân chủ động thực hiện các biện pháp tự bảo vệ mình và người thân.

Bệnh truyền nhiễm là điều khó tránh với kiểu thời tiết ở nước ta. Virus truyền bệnh cúm hay sởi đều có khả năng tồn tại lâu ngoài môi trường. Chỉ cần một người mắc bệnh, qua nói chuyện, hắt hơi, nước bọt, chúng có thể bay ra, bám trên bề mặt các vật dụng như tay nắm cầu thang, quần áo, bàn ghế. Khi người khác chạm vào là có thể truyền bệnh cho chính mình.

Nhưng trên thực tế, cùng sống trong môi trường, không phải ai cũng mắc bệnh bởi có người được tiêm vắc xin chủng ngừa, có người sức đề kháng tốt nên không mắc hoặc mắc nhưng bệnh nhẹ, nhanh khỏi nên thậm chí nhiều người không biết mình đang bị bệnh. Nói vậy để thấy rằng, sức đề kháng của mỗi người vô cùng quan trọng. Nó như chiếc áo giáp bảo vệ con người trước khả năng tấn công của dịch bệnh.

Muốn có hàng rào bảo vệ tốt thì hàng ngày phải bổ sung thức ăn, khoáng chất đầy đủ và tăng cường luyện tập hàng ngày. Việc tiêm chủng cũng vô cùng quan trọng. Chỉ cần tiêm một mũi duy nhất vắc xin sởi và tiêm hàng năm với vắc xin cúm đã có thể tạo miễn dịch cho bản thân và cộng đồng. Tiêm vắc xin càng quan trọng với trẻ bởi trẻ là đối tượng dễ mắc bệnh, dễ biến chứng…

Báo cáo về công tác y tế tháng 1/2018 của Bộ Y tế cho thấy, một số dịch bệnh như tay - chân - miệng, viêm màng não mô cầu, viêm màng não do virus... có sự gia tăng trong thời gian vừa qua. Đặc biệt bệnh tay - chân - miệng gia tăng đến gần 32% so với cùng kỳ.

Minh Phương (tổng hợp)

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Sởi, cúm chờ cơ hội bùng phát tại chuyên mục Tư Vấn - Chia Sẻ của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Tư Vấn - Chia Sẻ khác

Những loại đồ uống gây "nguy hiểm" cho xương của bạn

Thực phẩm mà bạn tiêu thụ hàng ngày có thể ảnh hưởng đến xương của bạn. Bên cạnh các loại thực phẩm giàu Canxi, Vitamin D và các chất dinh dưỡng khác quan trọng cho sức khỏe xương, vẫn có những loại thực phẩm và đồ uống làm giảm sự hấp thụ Canxi và khiến xương, răng của bạn yếu hơn.

"Bật mí" những cách trị sẹo thâm ở chân nhanh và an toàn

Sẹo thâm được tạo nên khi vùng da bị tổn thương nhưng không được bảo vệ, chăm sóc đúng cách. Để cho da bị ảnh hưởng trực tiếp từ ánh nắng mặt trời và bụi bẩn, vi khuẩn môi trường. Khiến cho da tổn thương sản sinh nhiều sắc tố melanin hình thành sẹo thâm, sẫm màu.