Tăng lương giáo viên là một chính sách nhân văn, cần ủng hộ!

Phan Thoa
Đó là ý kiến của giáo sư Phạm Minh Hạc,ông cho rằng: “Nếu việc tăng lương được Chính phủ và Quốc hội thông qua sẽ tạo phấn khởi lớn trong toàn ngành giáo dục. Còn việc lấy tiền ở đâu thì các cấp trung ương phải xem xét..."

Báo Thanh niên đưa tin, sáng 30/11, tại Thái Nguyên, Bộ GD-ĐT tổ chức hội thảo góp ý cho dự thảo bổ sung, sửa đổi luật Giáo dục đối với lãnh đạo sở GD-ĐT và các trường phổ thông khu vực miền núi phía bắc. Đây là hội thảo đầu tiên được tổ chức tại 5 địa điểm trong cả nước đến tháng 12 để lấy ý kiến của các nhà giáo.

Giáo viên mong mỏi tăng lương, để có thêm động lực cống hiến. Ảnh: Hải Nguyễn

Phát biểu tại hội thảo, nhiều ý kiến chia sẻ niềm vui của các giáo viên (GV) từ cơ sở giáo dục khi nghe tới đề xuất xếp lương GV cao nhất trong hệ thống thang bảng lương. Cô giáo Chu Thị Yến, Hiệu trưởng Trường tiểu học Lạng Sơn, H.Yên Dũng, Bắc Giang, cho hay nhiều GV tâm sự sắp có cơ hội thực sự sống được bằng lương. Cô Đỗ Thị Lan Hương, Hiệu trưởng Trường THCS Kỳ Lân, H.Sơn Dương, Tuyên Quang, cũng chia sẻ GV trong trường rất mừng khi đọc dự thảo luật.

Thầy Nguyễn Văn Bông, Hiệu trưởng THPT Việt Yên số 2 Bắc Giang, hy vọng lương nhà giáo được xếp cao nhất sẽ là một yếu tố quan trọng để thu hút những người giỏi vào học ngành sư phạm. Cùng quan điểm, nhà giáo Nguyễn Thị Thu Huyền, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Phú Thọ, cho rằng điều này sẽ nâng cao được chất lượng đầu vào, đội ngũ...
 
Một trong những nội dung được các đại biểu quan tâm thảo luận là dự kiến nâng trình độ đào tạo chuẩn GV tiểu học từ trung cấp lên CĐ. Đa số ý kiến đều cho rằng đây là xu hướng tất yếu, tuy nhiên vẫn có những băn khoăn cần làm rõ.
 
Thầy Nguyễn Đức Hữu, Phó vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục tiểu học, Bộ GD-ĐT, cho rằng nâng chuẩn GV tiểu học, đưa vào dự thảo luật để biến thách thức thành cơ hội. Đây chỉ là bước đầu, từ trung cấp lên CĐ, lâu dài phải yêu cầu trình độ ĐH. Theo thầy Hữu, hiện cả nước chỉ còn 3 tỉnh có tỷ lệ GV trình độ trên chuẩn (từ CĐ trở lên) thấp nhất, khoảng 63% là Hà Giang, Tuyên Quang, Lai Châu. Nhiều tỉnh tỷ lệ này 97 - 99%.
 
Xung quanh lo ngại về số GV lớn tuổi, GV ở vùng sâu, vùng xa nhưng chưa đạt chuẩn trình độ đào tạo khi áp theo chuẩn mới, ông Hữu cho hay Bộ sẽ hướng dẫn các địa phương một cách cụ thể sau khi luật có hiệu lực thi hành.
 
Báo Lao động cho biết, chia sẻ về đề xuất tăng lương giáo viên của Bộ GD-ĐT, Giáo sư-Viện sĩ- Nhà giáo Nhân dân Phạm Minh Hạc cho rằng, đây là một chính sách hết sức nhân văn và cần được ủng hộ.

“Chỉ rất ít thầy cô có thu nhập nhờ việc dạy thêm, còn đa phần giáo viên ở nông thôn, miền núi có đời sống khó khăn. Giá cả mỗi ngày một tăng, thầy cô phải làm thêm rất nhiều nghề để có thể trang trải cuộc sống. Điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến chuyên môn” - GS Phạm Minh Hạc chia sẻ.

“Lấy tiền ở đâu để tăng lương cho giáo viên?”, trả lời câu hỏi này, GS Phạm Minh Hạc cho rằng: “Nếu việc tăng lương được Chính phủ và Quốc hội thông qua sẽ tạo phấn khởi lớn trong toàn ngành giáo dục. Còn việc lấy tiền ở đâu thì các cấp trung ương phải xem xét...

Sắp tới, giáo viên sẽ đảm nhận trọng trách rất nặng nề trong việc thực hiện đổi mới giáo dục. Lương thấp, không thể đòi hỏi giáo viên phải cống hiến hết mình, chất lượng giáo dục như xã hội mong muốn”.

Trước đó theo Cục sở hữu trí tuệ, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang soạn thảo dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi để trình Chính phủ trong đó có quy định về sửa đổi lương cho giáo viên.

Theo đó, Điều 81 trong dự thảo quy định về chế độ tiền lương nêu: “Lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp. Nhà giáo được hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề, phụ cấp thâm niên và các phụ cấp khác theo quy định của Chính phủ”.

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện nay nhìn chung lương của nhà giáo còn thấp, đặc biệt là nhà giáo ở bậc giáo dục mầm non, phổ thông. Vì vậy, cần phải có cơ chế, chính sách tháo gỡ vấn đề này và cần thể chế hóa quan điểm của Đảng trong Nghị quyết số 29-NQ/TW vào Luật giáo dục.

Nếu theo đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo khi lương giáo viên được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp sẽ cao hơn cả với lương của sĩ quan công an, sĩ quan quân đội. Đây thực sự là một tin vui được dư luận cũng như người làm trong ngành giáo dục quan tâm. Bởi nếu hệ số lương của giáo viên được nâng lên thực sự sẽ là niềm vui rất lớn cho những người thầy đang đứng trên bục giảng. Tuy nhiên câu hỏi lúc này là lấy nguồn nào để tăng lương của ngành giáo dục nhất là khi ngành này đang có đội ngũ công chức, viên chức chiếm hơn một nửa số lượng công viên chức cả nước.

Minh Anh (tổng hợp)

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Tăng lương giáo viên là một chính sách nhân văn, cần ủng hộ! tại chuyên mục Góc nhìn của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Góc nhìn khác

Lịch nghỉ hè 2024 của học sinh 63 tỉnh thành

Hầu hết các địa phương tổ chức bế giảng năm học 2023 - 2024 trước ngày 31/5 và cho học sinh nghỉ hè bắt đầu từ 1/6. Tùy thuộc thời gian bế giảng sớm hoặc muộn hơn, cuối tháng 5, các trường sẽ cho học sinh nghỉ hè.