Nếu là thế hệ 9X đời đầu chắc chắn vẫn còn nhớ những ngày tháng nhắn tin xuyên đêm với nhau bằng điện thoại nokia 1280, gọi vui là “cục gạch”. Vì chưa rành công nghệ nên cách dùng cũng hay lắm, đến mức mà xuất hiện cả những dòng chữ mà người ta gọi là teencode. Vậy teencode là gì?
Teencode hay còn gọi là ngôn ngữ tuổi teen, ngôn ngữ xì tin thường sử dụng những chữ cái, con số, ký tự, dấu… để thay thế cho những từ quá dài, cần viết nhanh. Nó không có bất cứ quy luật viết nào và được các bạn teen tự quy ước và sử dụng.

Trước đây, thời anh chị chúng mình có được chiếc điện thoại “cục gạch” 1280 là xa xỉ lắm. Hồi đó 1 tin nhắn là 100đ, 200đ, nếu có đăng ký gói tin nhắn 100 tin/1 ngày thì đỡ, không thì tốn kém lắm. Mà các bạn biết rồi đó, học trò lúc nào chẳng nhiều chuyện để 'tám' , nhắn cả đêm chưa hết chuyện nữa. Thành ra để kể nhanh gọn, tiết kiệm tiền thì nảy sinh ra các chữ viết tắt, viết gọn lại, viết thành teencode luôn.

Rồi còn thêm những kí tự vui vui, cả tạo chữ ký nữa, biến hóa một chút cho tin nhắn trông đáng yêu, cute nhẹ nhẹ. Rồi dần dần teencode trở thành một “ngôn ngữ” sành điệu trong cộng đồng các bạn tuổi teen.

Cho tới khi các “cảnh sát chính tả” xuất hiện ngày càng nhiều, mạng xã hội mới có những tuyên ngôn như "Cãi nhau mà sai chính tả, lý lẽ cỡ nào cũng trở nên vô nghĩa" thì cơn sốt teencode mới hạ nhiệt.
Hiện nay cách viết ấy vẫn còn được chúng mình sử dụng. Đặc biệt trong gần 1 năm trở lại đây teencode được Gen Z đưa trở lại nhưng với một diện mạo hoàn toàn khác. Bạn đã cập nhật chưa?

Thay vì đặt ra quy ước chung giữa chữ cái với con số, ký tự, teencode thế hệ 2.0 lại vận dụng cách nói trại, nói ngọng hoặc cách phát âm của ngoại ngữ Anh, Hàn Quốc, Thái Lan, Trung Quốc… để viết thành từ tiếng Việt.
Ví dụ: “thơ” sẽ được viết thành “ther”, “không” là “khum” để nghe dễ thương hơn, “cuộc sống” trở thành “cột sống”, "trầm cảm" thành "chằm zn" hay "chằm kẽm".
Một số từ sẽ được biến tấu do lỗi đánh máy từ bộ gõ tiếng Việt như “dảk” (dark) và “bủh” (bruh), "pềct" (perfect), "rếpct" respect.
Thậm chí có những từ mà đọc xong cũng cảm thấy chóng mặt như "trmúa hmề" (chúa hề, người hài hước), "chếc gồi" (chết rồi), "gòi song" (rồi xong),...
Khác với thời anh chị chúng mình ngày xưa, teencode sau khi được nâng cấp dù sáng tạo, độc đáo và không gò bó nhưng nó đòi hỏi chúng mình phải ghi nhớ kiến thức thì mới có thể đọc hiểu. Có lẽ nhờ tính thách thức này mà teencode phiên bản cải tiến được lan tỏa mạnh mẽ và rộng khắp hơn.
Và phải thừa nhận một điều Gen Z đã thật sự thành công khi tạo được 1 ngôn ngữ cho riêng mình trên các nền tảng xã hội.