Nguồn gốc Tết Hàn thực
Tết Hàn thực diễn ra vào ngày 3/3 hàng năm. Theo tiếng Hán, hàn có nghĩa là “lạnh”, thực là “thức ăn”, vào ngày này, người ta thường kiêng lửa, nấu nướng và chỉ ăn đồ nguội.
Phong tục cổ truyền này bắt nguồn từ một câu chuyện vào đời Xuân Thu giữa vua nước Tần là Tấn Văn Công và hiền sĩ Giới Tử Thôi.
Chuyện kể rằng vào đời Xuân Thu (770 – 221), vua Tấn Văn Công nước Tấn, gặp loạn nên phải bỏ nước lưu vong ở nước Sở. Bấy giờ, có một hiền sĩ tên là Giới Tử Thôi, theo phò vua đã giúp đỡ nhiều mưu kế.
Một hôm, trên đường lánh nạn, lương thực cạn kiệt, Giới Tử Thôi phải lén cắt một miếng thịt đùi mình nấu lên dâng vua. Vua ăn xong, hỏi ra mới biết đem lòng cảm kích vô cùng.
Giới Tử Thôi theo phò vua Tấn Văn Công trong vòng mười chín năm trời, cùng nhau trải qua nhiều sóng gió, khổ ải. Về sau, Tấn Văn Công giành lại được ngôi vương, trở về làm vua nước Tấn, phong thưởng rất hậu cho những người có công khi tòng vong, nhưng lại quên mất Giới Tử Thôi. Giới Tử Thôi cũng không oán giận gì, nghĩ mình theo vua phò vua là chuyện nên làm, ông cho rằng những việc đó đâu có gì đáng nói. Sau đó, ông về nhà đưa mẹ vào núi Điền Sơn ở ẩn.
Vua Tấn Văn Công về sau nhớ ra, cho người đi tìm Tử Thôi. Nhưng Tử Thôi không quay về vì vốn không ham mê danh vọng. Thấy thế, Tấn Văn Công đốt rừng để ép thúc ép. Tuy nhiên, Tử Thôi lại quyết chí ở lại, do đó, hai mẹ con cùng chịu chết cháy trong rừng vào đúng ngày 3/3.
Hối hận vì việc đã làm, vua Tấn Văn Công cho lập miếu thờ. Về sau, cứ đến ngày chết cháy của Tử Thôi, vua cấm người dân dùng lửa nấu ăn, chỉ ăn đồ nguội lạnh, Tết Hàn thực cũng ra đời từ đó.
Ý nghĩa Tết Hàn thực tại Việt Nam
Tết Hàn thực ở Việt Nam mang ý nghĩa tưởng nhớ đến người đã khuất, hướng về cội nguồn, tổ tiên. Bên cạnh đó, đây cũng là một ngày lễ tết để cả gia đình có thể quây quần, tụ họp cùng nhau.
Tuy có nguồn gốc từ Trung Quốc nhưng Tết Hàn thực của người Việt vẫn mang những sắc thái riêng, mang đậm chất Việt. Nếu người Trung Quốc kiên lửa thì vào Tết Hàn thực, người Việt vẫn nấu nướng như thường.
Trong ngày này, các gia đình ở Việt Nam thường sẽ làm bánh trôi, bánh chay để đặt lễ trên bàn thờ cúng ông bà, tổ tiên. Bánh trôi là sáng tạo riêng của người Việt với ý nghĩa tượng trưng cho thức ăn nguội – hàn thực.
Những điều kiêng kỵ trong Tết Hàn thực
Kiêng lửa
Như đúng tên gọi Hàn thực – điều kiêng kỵ đầu tiên trong ngày này chính là lửa, tức là mọi người không đốt lửa nấu thức ăn nóng mà cần chuẩn bị sẵn đồ ăn nguội để đúng bản chất của ngày Tết này. Hiện nay, người Việt dùng bánh chay, bánh trôi để dâng hương, cũng là thức ăn nguội.
Kiêng ăn mặn, sát sinh
Thắp hương ngày Tết Hàn thực kiêng có đồ mặn, thay vào đó, các món ăn chay được khuyến khích. Nguyên nhân là vì việc không sát sinh giúp linh hồn của người đã mất được dễ dàng siêu thoát hơn.
Kiêng cúng kính linh đình
Đồ cúng ông bà, tổ tiên trong Tết Hàn thực cần sự thanh đạm, không quá cầu kỳ tốn kém. Vì vậy việc tổ chức linh đình, mâm cao cỗ đầy là điều nên tránh. Mọi người chỉ cần làm mâm lễ đơn giản và thành tâm cúng kính là được.
Kiêng cúng bánh ngũ sắc
Đi liền với kiêng cúng kính linh đình chính là việc kiêng cúng bánh chay, bánh trôi ngũ sắc. Tết Hàn thực quan trọng sự thanh tịnh, tinh khiết, do đó sự sặc sỡ là thứ nên tránh.
Bánh ngày Tết Hàn thực truyền thống được làm từ bột nếp trắng, tròn đầy, bên trong bọc đường thể hiện sự thanh khiết, tôn vinh bậc tiền nhân.