Bangladesh - Các trường học nổi
Trên toàn thế giới, nền giáo dục đang dần đổi mới, Bangladesh cũng không ngoài số ấy. Với điều kiện địa lý, có tới 1/3 diện tích quốc gia bị ngập lụt, vì thế mà việc tới trường của học sinh bị ảnh hưởng. Tổ chức phi lợi nhuận - Shidhulai Swanirvar Sangstha đã nảy ra một cách để mang giáo dục đến với những học sinh ở vùng lũ lụt. Đó là tạo ra những ngôi trường nổi hoạt động bằng năng lượng mặt trời.
Mỗi buổi sáng, các ngôi trường tiểu học nổi này di chuyển đến những cộng đồng khác nhau, đón học sinh dọc đường. Những trường học nổi này có thể chứa và dạy 30 học sinh.
Mỗi một trường học nổi được trang bị một chiếc laptop, hàng trăm cuốn sách và các thiết bị điện tử chạy bằng năng lượng mặt trời được đặt ngay trên nóc thuyền.
Anh - Trường học thực tế ảo (VR)
Công nghệ xóa bỏ mọi rào cản giữa thực tế và hình ảnh ảo (immersive) đang phát triển mạnh mẽ và xuất hiện trong các trường học. Một trong số ấy là trường Sevenoaks (Anh). Kính thực tế ảo đã được các lớp học sử dụng cho môn nghệ thuật, lịch sử và địa lý.
Indonesia - Trường học xanh
Những trường học xanh ở Bali (Indonesia) đã chứng minh rằng sáng tạo không phải lúc nào cũng gắn liền với công nghệ. Được gọi là trường học xanh bởi ngôi trường này nằm giữa những cánh rừng nhiệt đới và được làm từ tre. Sứ mệnh của ngôi trường này là giáo dục học sinh về sự bền vững.
Học sinh, từ lứa tuổi nhà trẻ đến trung học, được học cách ý thức với môi trường hơn, bên cạnh những môn học truyền thống như toán và ngôn ngữ.Ngôi trường này hoạt động trên 3 nguyên lý đơn giản: mang tính địa phương, để môi trường dẫn dắt và hãy nghĩ về tương lai của con cháu.
Ghana - Sân chơi mang lại điện năng
Tại nhiều vùng nông thôn ở Ghana, điện còn rất thiếu thốn thậm chí chưa có. Học sinh ở những khu vực này không thể học khi trời tối, điều này cản trở họ khi bước vào trung học (lượng kiến thức và bài tập nhiều hơn rất nhiều). Vì vậy, ở những sân chơi cho học sinh đã thiết kế ra đu quay tạo ra điện, đủ để sạc pin hoặc cấp năng lượng cho một chiếc đèn học nhỏ. Mỗi một lần nạp điện, bóng đèn có thể sáng hơn 40 giờ và học sinh có thể học vào buổi tối.
Canada - Lớp học không giấy, không bàn ghế
Khó mà tưởng tượng được một phòng học không có bàn ghế và giấy, nhưng chuyện đó là thật ở Canada.
Ở một số ngôi trường ở Canada và Mỹ, xu hướng tạo ra những không gian mở và thoái mái trong thời gian gần đây đã làm biến mất những bộ bàn ghế truyền thống.
Thay vào đó, những quả bóng nẩy, ghế lười và những tấm thảm ngồi đang thế chỗ, còn iPad và máy vi tính thay cho bút và giấy.
Học sinh nộp bài tập thông qua những công cụ khác nhau như Google Classroom, và giáo viên có thể phản hồi và chấm bài trong thời gian thực. Ngay cả những chiếc bảng truyền thống cũng được thay bằng bảng thông minh.
Hà Lan - Những lớp học đề cao tính cá nhân độc lập
Trường học Steven Jobs khuyến khích học sinh chủ động trong tiếp nhận kiến thức. Từ đó các bạn có thể tự do lựa chọn môn học và tốc độ học. Giáo viên chỉ được xem như người đồng hành, huấn luyện và học sinh được phân chia theo thế mạnh chứ không theo độ tuổi. Lịch học cho các lớp rất linh động và học sinh được trang bị 1 chiếc iPad.
Mô hình này bắt đầu ở Hà Lan và đã có thêm một ngôi trường tương tự được mở ở Johannesburg, Nam Phi hồi năm 2016.
Thụy Điển - trường học không phân biệt giới tính
Ở trường mẫu giáo Egalia (Stockholm), những cụm từ cậu bé hay cô bé không bao giờ được sử dụng. Các bạn nam có thể chơi với búp bê hoặc các bạn nữ có thể chơi xe cứu hỏa. Cũng không có khu vực dành riêng cho mỗi giới còn sách vở được chọn lựa cẩn thận để tránh phân biệt nam-nữ.
Singapore - Robot làm giảng viên
Peper là một con robot tương tác với học sinh để trả lời các câu hỏi. Được ra mắt hồi năm ngoái, Pepper đã giúp các giáo viên ở trường mẫu giáo triển khai bài học và kể chuyện cho học trò nghe.
Các giáo viên cho biết loại robot này đã giúp những học sinh nhút nhát thoát được ra khỏi "vỏ ốc" của mình và tạo ra một bầu không khí tương tác, vui tươi để học tập.
Đan Mạch - Trường học trong rừng
Các trường học gần gũi với thiên nhiên không còn xa lại trên thế giới, nhưng ở Đan Mạch lại dạy trẻ em về thiên nhiên khi còn rất nhỏ. Theo cơ quan quản lý rừng của Đan Mạch có tới 10% trường mẫu giáo của quốc gia này được đặt trong rừng hay những nơi tự nhiên khác.
Những ngôi trường này sử dụng mọi thứ xung quanh làm công cụ giảng dạy, việc leo núi hay chăn nuôi đều là bài học hàng ngày. Có nhiều người ủng hộ các trường ở trong rừng như thế này vì họ cho rằng thiên nhiên giúp trẻ phát triển những kỹ năng vận động tốt hơn là những trẻ ngồi trong lớp mà không có không gian chơi.
Mỹ - Thế giới chính là lớp học rộng lớn nhất
Học sinh tại trường THINK Global trải qua mỗi học kỳ tại một đất nước khác nhau. Mỗi một lần đi du học họ học được một ngôn ngữ mới và những văn hóa, lịch sử truyền thống cúa đất nước ấy. Điểm đến cho năm học 2018 - 2019 của học sinh trường THINK Glonal là Ấn Độ, Botswân, Nhật Bản và Tây Ban Nha.
Ngọc Hà (Theo CNN)