Sau Olympic 2020, Paralympic 2020 - Thế vận hội dành cho những VĐV thể thao khuyết tật tiếp tục diễn ra ở Nhật Bản. Đoàn Việt Nam đến với Paralympic 2020 với 7 VĐV, thi đấu tại 3 môn thể thao là cử tạ, bơi lội và điền kinh. Đoàn Việt Nam không đặt mục tiêu huy chương ở Paralympic lần này nhằm giảm áp lực cho các VĐV, chúng ta tham gia để hòa cùng tinh thần chung của thể thao người khuyết tật thế giới.
Ở kỳ Paralympic 2016 tại Rio, VĐV cử tạ Lê Văn Công đã làm nên lịch sử khi đem về tấm huy chương vàng Paralympic đầu tiên cho thể thao người khuyết tật Việt Nam. Lê Văn Công thi đấu tại nội dung cử tạ nam hạng cân dưới 49 kg.
Đến Nhật Bản lần này, đô cử Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn khi thời gian chuẩn bị chỉ có 1 tuần. Anh đang gặp chấn thương nặng ở vai. Tuy vậy, bằng một ý chí tuyệt vời và nghị lực kiên cường, Lê Văn Công vừa dành huy chương bạc.
Nội dung cử tạ nam dưới 49 kg của Paralympic có 8 VĐV tham gia thi đấu. Đối thủ lớn nhất của Lê Văn Công là VĐV dành HCB tại Paralympic Rio là Omar Quarada người Jordan. Cả Lê Văn Công và VĐV này đều nâng được mức tạ 173kg. VĐV Jordan dành huy chương vàng do nhẹ cân hơn Lê Văn Công chỉ 0,1 kg.
Tấm huy chương bạc của Lê Văn Công thực sự có ý nghĩa vô cùng to lớn. Những thành tích của lực sĩ Việt Nam tại các đấu trường thể thao thế giới là sự động viên, cổ vũ tinh thần cho những người khuyết tật, vượt lên nghịch cảnh để luôn có một ngày mai tươi sáng hơn.
Lê Văn Công đã từng bán đấu giá một tấm huy chương vàng mà anh giành được tại World Cup thể thao người khuyết tật để quyên góp tiền cho một nữ sinh có hoàn cảnh khó khăn có thể tiếp tục theo đuổi con đường học vấn.