Những ngày gần đây, mạng xã hội từ Facebook cho đến TikTok đi đâu cũng thấy mọi người nhắc đến "luật hoa quả", "quả táo nhãn lồng". Phải chẳng, vừa có một bộ luật mới ra đời hay một loại quả lạ vừa được tìm thấy? Hóa ra, đây là thành quả sáng tạo của Gen Z từ những câu thành ngữ, tục ngữ, ca dao mà ra.
"Luật hoa quả" là cách Gen Z nói lái đi từ cụm từ "luật nhân quả" với ý nghĩa mỗi hành động, việc làm của ta đều sẽ dẫn tới kết quả tương xứng. Tất nhiên "luật hoa quả" thường áp dụng với những tình huống dở khóc dở cười, hài hước thay vì nghiêm túc. Tương tự, khi gia nhập "vũ trụ hoa quả" của Gen Z thì "quả báo" cũng trở thành... "quả táo".


Nhắc đến "quả táo" không thể không nhắc đến phiên bản hài hước về Issac Newton - nhà Toán học, Vật lý nổi tiếng được các nhà sáng tạo Gen Z nghĩ ra. Từ câu chuyện tìm ra định luật hấp dẫn nhờ bị quả táo rơi trúng đầu, các bạn ý dùng để minh họa cho câu "Rồi quả táo sẽ tìm đến bạn".
Đi xa hơn chút nữa, Gen Z có câu nói "Quả táo rụng nhanh lắm" mang dụng ý quả báo nhãn tiền. Nhưng quả thật, sự sáng tạo chưa dừng ở đó khi Gen Z nhìn thấy chữ nhãn thì đầu lại nhảy số ngay. Họ liên tưởng đến món trái cây đang vào mùa và trong tích tắc đã cho ra đời câu nói "Quả táo nhãn lồng" .

"Nấu cháo cho giặc" cũng là một câu được nhiều netizen dùng làm bình luận trên TikTok hay Facebook. Cách nói lái đi từ câu thành ngữ "Nối giáo cho giặc". Hành động "nấu cháo cho giặc" cũng là tiếp tay cho giặc phải "khum" nào? Chịu thì chịu không chịu cũng phải chịu!
Việc nói lái, cải biên ca dao, tục ngữ, thành ngữ hay những điển tích, mẫu câu thân thuộc trở nên hài hước vốn không còn xa lạ với Gen Z. Chỉ cần lướt Facebook hay TikTok, bạn sẽ thu thập được nguyên một tập từ điển ca dao tục ngữ như "Vỏ quýt dày có đồ cắt móng tay", "Sức chịu đựng của con người cũng có giới thiệu",.... mà không lo thành "người tối cổ" đâu nhé!