Chất thải lây nhiễm là loại chất thải được nghi ngờ có chứa mầm bệnh như virus, vi khuẩn, nấm và ký sinh trùng với số lượng đủ để làm tăng nguy cơ truyền bệnh cho các vật chủ nhạy cảm.
Bao gồm các vật liệu và thiết bị y tế được sử dụng để chẩn đoán, phát hiện và điều trị COVID-19. Chất thải đó chủ yếu là chất thải bị nhiễm máu, mô, dịch cơ thể, nội tạng, kim tiêm, nhiệt kế, giấy vệ sinh, gạc, túi đựng nước tiểu và các thiết bị hoặc vật liệu y tế khác có tiếp xúc với dịch tiết cơ thể của bệnh nhân bị nhiễm bệnh.
Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng, virus SARS-CoV-2 có thể vẫn hoạt động trên các bề mặt như nhựa, kim loại và thủy tinh trong tối đa 9 ngày, trên các mẫu huyết thanh trong 11-12 ngày, 17-31 ngày trong phân và 13-29 ngày trên chất tiết đường hô hấp. Với việc xử lý không đúng cách, chúng có thể dẫn đến việc lây lan virus.
Ngoài ra, nếu chất thải y tế không được phân loại đúng cách trong nhà và trộn lẫn với chất thải sinh hoạt khác, chúng sẽ trở nên nguy hại và tăng khối lượng chất thải lây nhiễm.
Cách xử lý an toàn với chất thải COVID-19
Trong trường hợp gia đình bạn có người nhiễm COVID-19 và được điều trị tại nhà, hoặc có người đang thực hiện cách ly y tế, rác thải của họ phải được phân loại và xử lý cẩn thận. Chất thải của họ phải được thu gom ngay lập tức và không được để ngoài trời. Không được để lẫn rác thải y tế với rác thải sinh hoạt khác.
Chất thải phải được đậy kín trong một hộp riêng. Để tránh tiếp xúc trực tiếp với rác thải, túi phải được niêm phong trước khi lượng rác đạt 70% túi.
Hãy rửa tay thật sạch sau khi niêm phong túi rác. Rác thải lây nhiễm cần được bỏ vào một thùng riêng dành cho chúng, có thể có màu vàng để dễ nhận biết.
Chất thải như thức ăn thừa, hộp sữa và bao bì thực phẩm mà bệnh nhân COVID-19 sử dụng cũng nên được bỏ bao kỹ càng. Đảm bảo rằng thùng rác được tránh xa những loài vật như chim, chuột, chó mèo hoang,....