Theo Zing.vn, một nhà cung cấp dịch vụ mạng (ISP) tại Việt Nam cho biết, tuyến cáp quang biển AAG (Asia America Gateway) đã gặp sự cố vào sáng ngày 19/7 trên nhánh S1H, vị trí lỗi cách trạm cập bờ Vũng Tàu khoảng 108km.
Việc cáp quang gặp sự cố đã khiến cho nhiều người "đứng ngồi không yên". Bởi hiện tại, tình hình dịch bệnh ở Việt Nam đang diễn biến phức tạp, một số địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội. Trong thời gian này, hầu hết mọi người đều sẽ ở nhà, sử dụng mạng để làm việc, học tập hay vui chơi, giải trí.
Tuy nhiên, 15% tổng dung lượng kết nối từ Việt Nam đi quốc tế hướng Singapore và Hong Kong bị ảnh hưởng do sự cố. Từ đó khiến tốc độ truy cập các website, ứng dụng nước ngoài tại Việt Nam cũng bị chậm lại. Điển hình phải kể đến như Facebook, Instagram,...
Chỉ trong một tháng qua, tuyến cáp quang biển AAG đã gặp sự cố đến 2 lần. Trước đó, vào ngày 22/6, tuyến AAG cũng bị lỗi trên nhánh S1H cách trạm cập bờ Vũng Tàu khoảng 102km. Đơn vị quản lý đã phải tiến hành việc sửa chữa từ ngày 2/7.
Trong quá trình sửa chữa, đơn vị đã phát hiện thêm lỗi nên thời gian sửa chữa bị kéo dài hơn. Đến ngày 17/7, tuyến cáp quang được sửa xong và tiếp tục hoạt động mạnh mẽ. Nhưng chỉ 2 ngày sau (sáng 19/7), một ISP lại xác nhận lỗi mới trên tuyến cáp AAG.
Dịch bệnh phải ở nhà lại cộng thêm việc mạng internet lên xuống thất thường khiến nhiều người dùng lo lắng. Một số người do không biết rõ nguyên nhân còn cho rằng "cục wifi" có vấn đề. Dưới đây là một số bình luận của cư dân mạng:
- "Hên quá mình vừa biết được thông tin này, chứ mấy ngày nay đập cục wifi mỏi tay lắm rồi".
- "Khổ thân anh kỹ thuật viên bên nhà mạng, do không biết nên tôi đã gọi cháy máy cho anh để phản ánh vấn đề mạng thất thường".
- "Dịch ở nhà, nay mạng còn lúc lên lúc xuống thì thành người tối cổ mất".
AAG là một trong 5 tuyến cáp biển quan trọng, chiếm phần lớn lưu lượng internet đi quốc tế từ Việt Nam. Tuyến cáp có chiều dài 20.191km đi qua Malaysia, Singapore, Thái Lan, Việt Nam, Brunei, Hong Kong, Philippines và Mỹ.
Bên cạnh đó, nước ta còn có tuyến APG, với sự tham gia của 4 nhà mạng là VNPT, Viettel, FPT và CMC. Với băng thông tối đa tới 54 Tbps, chiều dài 10.400km đi qua nhiều điểm như Trung Quốc, Hong Kong, Đài Loan, Nhật Bản, Malaysia, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.