Cô giáo mới

Chu Hải
TNTP - Ngày cầm quyết định tuyển dụng trên tay, cô giáo Hương thấy lòng buồn vô cùng bởi vì nơi cô nhận công tác là một trường thuộc vùng đặc biệt khó khăn của huyện.

Nơi ấy cô chưa bao giờ đặt chân đến. Trong lòng cô, bao nhiêu là lo lắng, rối bời, biết cuộc sống sau này sẽ ra sao? Chặng đường từ nhà đến trường có an toàn không?... Bố mẹ khuyên cô tìm một công việc khác nhẹ nhàng hơn, trái ngành cũng được nhưng ở gần nhà đỡ phải đi xa vất vả. Cô không đồng ý bởi ước mơ lớn nhất của cô là được đứng trên bục giảng; được nhìn thấy ánh mắt học trò ngây thơ, hồn nhiên; được đọc cho chúng nghe những vần thơ, những câu ca dao sâu lắng, ngọt ngào. Và cô quyết định đi theo con đường mình đã chọn - con đường dù nhiều gian khổ nhưng cũng thật hạnh phúc.

Hôm vào trường, cô được mẹ chuẩn bị rất chu đáo từ chai dầu gội đến lọ muối vừng, từ cái kim, sợi chỉ đến đôi ủng đi ngày mưa. Tất cả đều được sắp xếp gọn gàng, cẩn thận. Anh trai cô đèo đồ đạc đi trước còn cô đi xe bám theo sau để ghi nhớ đường. Hai anh em khởi hành từ 5 giờ sáng để kịp dự tiết chào cờ đầu tuần. Con đường đến trường thật khó khăn. Hết đoạn đường nhựa là đường đất trơn trượt, ghồ ghề, khúc khuỷu. Bên này là đường, bên kia là vực sâu. Chỉ cần chệch tay lái một chút là cả người và xe sẽ gặp nguy hiểm. Lần đầu tiên, cô đi con đường như vậy nên cô thấy sợ và căng thẳng chỉ lo bị ngã xuống vực, nhưng rất may là có anh trai đi trước thăm dò nên cô cứ theo đó mà đi. Vậy mà khi tới nơi cô cũng bị ngã ba lần nhưng người không làm sao, chỉ có xe là xước xát chút ít.

Ngôi trường nhỏ của cô hiện ra trong sương sớm mờ ảo, trường tựa lưng vào sườn đồi bao quanh bởi hàng rào tre tuy đã cũ nhưng vẫn còn rất chắc chắn. Trên sân trường, mấy cô cậu học sinh đang ngồi dưới tán cây trò chuyện với nhau bằng tiếng của dân tộc mình. Tuy không hiểu hết nhưng cô đoán là chuyện vui nên thi thoảng lại có tiếng cười vang lên ròn rã. Đám học trò thấy cô giáo mới thì lạ lắm, em chỉ trỏ, em thì tò mò nhìn chăm chú, có em đứng từ xa ngó lại khiến cô thấy ngượng ngùng, vội giục anh trai:

- Anh đưa em lên gặp Ban giám hiệu để em nộp quyết định!

Đón cô là thầy Hiệu trưởng, tuổi chừng 50. Mái tóc đã điểm sợi bạc, khuôn mặt và ánh mắt toát lên vẻ cương nghị, hiền hậu. Thầy mời hai anh em ngồi, rót nước xong ân cần hỏi:

- Em lần đầu vào đây hả? Đi xe có bị ngã đoạn nào không? Đi thế là khá đấy, dần dần rồi sẽ quen em ạ.

Nghe thầy nói tự nhiên cô thấy có gì đó gần gũi, thân thương và an tâm hơn. Cô rụt rè nói:

- Em muốn đến chỗ ở, để cất đồ đạc và chuẩn bị chào cờ thầy ạ!

Thầy cười:

- Chờ lát nữa cô Thảo, Chủ tịch Công đoàn về sẽ dẫn em đi. Cô ấy vừa xuống vườn rau cùng học sinh.

Một lúc thì cô Thảo bước vào:

- Em chào thầy, chào hai bạn. Chắc là giáo viên mới đây rồi. Em đi theo chị về phòng ở nhé.

Vậy là hai anh em cô giáo Hương chào thầy Hiệu trưởng rồi theo cô Thảo về khu tập thể giáo viên. Nói là khu tập thể nhưng thực chất chỉ là mấy căn phòng nhỏ được dựng bằng những tấm gỗ ghép lại với nhau có chỗ hở toang hoác. Các thầy cô phải che chắn bằng những tờ tranh, tờ lịch tường. Trên mái được lợp bằng những tấm xi măng đã ngả màu rêu mốc. Dù đã chuẩn bị sẵn từ trước nhưng nhìn cảnh sinh hoạt của mình như vậy cô vẫn thoáng một nỗi buồn.

Sắp xếp cho cô xong thì anh trai cô về vì sợ trời mưa sẽ không ra đường chính được. Tiễn anh ra cổng, cô rơm rớm nước mắt như đứa trẻ bị bỏ rơi. Anh nhìn cô ái ngại:

- Nếu không ở được thì nhắn về cho anh, anh vào đón nhé!

Cô bật khóc nhưng vẫn cương quyết:

- Anh yên tâm, nhất định em sẽ làm thật tốt anh ạ, anh đừng lo.

Lần đầu tiên dự chào cờ, cô thấy hồi hộp và vinh dự quá. “Vậy là mình đã trở thành giáo viên thật rồi” - Cô thầm nghĩ. Sau khi nhận xét hoạt động trong tuần của nhà trường, thầy Hiệu trưởng giới thiệu cô với cả trường. Cô đứng dậy, mặt nóng ran, không dám nhìn xuống phía dưới học sinh. Các cô giáo bên cạnh thấy cô lúng túng thì tủm tỉm cười và kéo cô ngồi xuống...

Tiết chào cờ nhanh chóng kết thúc. Cô lên phòng Hội đồng xem thời khóa biểu để chuẩn bị lên lớp dạy. Khi tiếng trống vang lên cô bước vào lớp. Các em đứng dậy chào rất ngay ngắn và nghiêm túc. Cô gật đầu chào lại và cho các em ngồi xuống. Bây giờ, cô mới có dịp quan sát học sinh của mình. Đó là những gương mặt lem luốc, nhiều em tóc vàng hoe vì cháy nắng nhưng ánh mắt thì hồn nhiên, ngây thơ đến lạ. Nhìn học trò, cô đã thấy thương lắm vì cô biết để ngồi trong lớp học này gia đình và các em phải cố gắng rất nhiều... Cô nắn nót viết tên bài học: SÔNG NÚI NƯỚC NAM.

Cô bất chợt nghĩ sông núi nước Nam được dựng xây từ chính những những bài dạy của cô, từ chính nơi đây - những lớp học bé nhỏ, nghèo khó nhưng luôn vững bước; được dựng xây từ những đồng nghiệp của cô - những người không quản gian lao bám trường, bám lớp để gieo cái chữ cho bản làng vùng sâu, vùng xa này. Và cô bắt đầu thấy yêu nghề, yêu trường từ giây phút ấy!

NGUYỄN THỊ HƯƠNG

(Giáo viên trường THCS Nà Bó, Mai Sơn, Sơn La)

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Cô giáo mới tại chuyên mục Sáng Tác của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Chiếc giày lẻ

Lớp An có một bạn mới chuyển đến. Bạn ấy tên Tùng và nhà nghèo lắm. Hơn thế, Tùng chỉ ...

Dòng sông trong tim tôi

Dòng sông giống như dòng chảy của thời gian. Từ xa xưa, loài người đã có mối liên kết đặc ...

Bài Sáng Tác khác

Vị tướng đan sọt

- Mau tránh đường cho Đức Ông dẫn quân đi qua! Tay Phạm Ngũ Lão vẫn thoăn thoắt đan sọt, đầu nghĩ tới những chiến lược quân sự nên chàng không nghe thấy tiếng thét của quân lính.

Mùi của nắng

Nếu ai đó hỏi bạn: Mùi nắng có mùi gì? Bạn sẽ trả lời thế nào? Thật khó để nói rõ vì đây là một thứ mơ hồ không thể nói cho rõ. Mùi của nắng.

Tình yêu của bà

Mai được sinh ra ở đất nước xa xôi Hàn Quốc, 6 tháng tuổi về Việt Nam và từ đó dần lớn lên trong tình yêu của “người mẹ” mang tên BÀ NGOẠI.