Tình yêu của bà

Nhi Đồng
Mai được sinh ra ở đất nước xa xôi Hàn Quốc, 6 tháng tuổi về Việt Nam và từ đó dần lớn lên trong tình yêu của “người mẹ” mang tên BÀ NGOẠI.

Ở ngôi làng Cương Gián, Nghi Xuân thân yêu này, không hiếm những đứa trẻ cùng hoàn cảnh như Mai, được sinh ra ở xứ người và gửi về quê hương khi còn “thơm mùi sữa”. Đón cháu về, người phụ nữ ở cái tuổi lẽ ra được nghỉ ngơi lại tiếp tục đóng vai một người mẹ để chăm bẵm cháu. Bà nâng đỡ từng bước chân Mai khi cháu chập chững tập đi và không đếm được những lần thức thâu đêm vì cháu mọc răng bị sốt cả đêm.

Đến lúc Mai lớn hơn chút - tuổi mà Mai có thể nhớ được mọi chuyện cho tới bây giờ, Mai thấm được tình yêu thương vô bờ của bà ngoại. Đó là những lần hai bà cháu cùng ôn lại các bài hát ở trường, Mai bước lên nhún nhảy và hát lại các bài hát ngây thơ học từ lớp mẫu giáo, phía dưới là ánh mắt bà ngoại say sưa, chăm chú theo dõi từng động tác của đứa cháu yêu thương. Đó còn là những đêm Mai nằm gối đầu trong lòng bà, lắng nghe những câu chuyện cổ tích mà cuối mỗi câu chuyện bà đều hỏi Mai: “Câu chuyện này khuyên con phải như thế nào?”.

Đến khi Mai vào lớp Một, cũng là bà ngoại nắm lấy tay Mai bước vào cổng trường Tiểu học. Bàn tay nhăn nheo, có phần thô ráp của bà nhẹ nhàng nắm lấy bàn tay non nớt của Mai, bà thủ thỉ kể cho Mai nghe bao điều lý thú, bổ ích và hấp dẫn đang chờ đón Mai dưới mái trường Tiểu học. Và chính bàn tay ấy, luôn biết “đổi mốt” cho mái tóc Mai mỗi lần đến trường.

Bây giờ Mai đã là học sinh lớp Năm rồi, mái tóc được bà chăm sóc, không nỡ cắt đã dài tới ngang thắt lưng. Ai cũng khen Mai có mái tóc dày, dài, khỏe. Mái tóc đó cũng được “lớn lên” bởi tình yêu của bà ngoại. Cái tuổi tiền dậy thì với bao câu hỏi quẩn quanh trong đầu nhưng người Mai tin tưởng để gửi gắm mọi suy nghĩ vẫn là bà ngoại. Bà giải thích cho Mai về thế giới ngoài kia có người tốt, kẻ xấu, nhưng cái quan trọng là bà dạy Mai cách sống thiện lương để được an yên. Bà cũng là người mẹ nhân từ, thứ tha cho Mai mỗi lần phạm lỗi, người nói cho Mai nghe về những điều Mai cần phải giữ gìn cẩn thận ở cái tuổi “ương ương sượng sượng”.

Thế giới rộng lớn ngoài kia, tương lai phía trước đang chờ đợi Mai. Nhưng để có được tương lai đó, người đã trải thảm, cũng như rèn giũa từng bước chân cho Mai, người cả cuộc đời Mai luôn trân trọng, tự hào, đó chính là người phụ nữ mang tên BÀ NGOẠI.

PHAN THỊ THƯƠNG
(Giáo viên trường TH Cương Gián 1, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh)

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Tình yêu của bà tại chuyên mục Sáng Tác của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Chiếc giày lẻ

Lớp An có một bạn mới chuyển đến. Bạn ấy tên Tùng và nhà nghèo lắm. Hơn thế, Tùng chỉ ...

Dòng sông trong tim tôi

Dòng sông giống như dòng chảy của thời gian. Từ xa xưa, loài người đã có mối liên kết đặc ...

Bài Sáng Tác khác

Vị tướng đan sọt

- Mau tránh đường cho Đức Ông dẫn quân đi qua! Tay Phạm Ngũ Lão vẫn thoăn thoắt đan sọt, đầu nghĩ tới những chiến lược quân sự nên chàng không nghe thấy tiếng thét của quân lính.

Mùi của nắng

Nếu ai đó hỏi bạn: Mùi nắng có mùi gì? Bạn sẽ trả lời thế nào? Thật khó để nói rõ vì đây là một thứ mơ hồ không thể nói cho rõ. Mùi của nắng.

Khoe tài nét vẽ: Người em yêu quý

Vẽ tranh là một lựa chọn thú vị để gửi gắm tình cảm tới người phụ nữ mà các bạn yêu quý. Nếu có năng khiếu hội họa, bạn hãy thử vẽ một bức tranh thật đẹp để gửi tặng bà, mẹ hoặc cô giáo mến yêu của mình nhân dịp ngày Phụ nữ Việt Nam nhé!