Con số 13 dường như là một con số định mệnh đã sắp đặt sẵn cho vua Bảo Đại. Không biết vô tình hay hữu ý mà cuộc đời có những dấu mốc gắn liền với con số này rất nhiều lần. Vua Bảo Đại (1913 - 1997) tên húy là Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy, vị hoàng tử duy nhất của vua Khải Định và hoàng hậu Đức Từ Cung.
Khi vua Khải Định qua đời vào ngày 06/11/1925, triều đình đã mời Vĩnh Thụy về nước để lên ngôi hoàng đế thay cha. Ông được trao ngôi khi du học ở Pháp trở về nước thọ tang cha tháng 11/1925. Lễ tấn phong được tổ chức vào ngày 8/1/1926 lấy niên hiệu là Bảo Đại khi ông vừa tròn 13 tuổi.

Sau khi lên ngôi, Đức cựu hoàng trao quyền lại cho Phụ chính Thân thần Tôn Thất Hân và quay trở lại Pháp để tiếp tục việc học. Mãi đến năm 1932, ông mới hồi loan chính thức trị vì đất nước. Nếu tính từ năm ông chính thức trở về trị vì đất nước 1932 đến khi thoái vị năm 1945 thì vua Bảo Đại trị vì đất nước 13 năm.
Triều Nguyễn thành lập năm 1802 với vị vua đầu tiên là Gia Long. Qua các đời vua là Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, Dục Đức, Hiệp Hòa, Kiến Phúc, Hàm Nghi, Đồng Khánh, Thành Thái, Duy Tân, Khải Định và kết thúc tại đời Bảo Đại. Ông là vị vua thứ 13 của triều Nguyễn và cũng là vị vua cuối cùng trong lịch sử phong kiến Việt Nam.

Vua Bảo Đại có cuộc sống sung sướng trong nhung lụa suốt quãng thời gian còn tại vị. Tuy nhiên quãng đời sau lại trôi qua khá trầm lặng và không còn dư dả như trước. Thậm chí ông phải bán đi nhiều tài sản để có tiền trang trải. Là một người say mê chơi ô tô, vua Bảo Đại sở hữu cho mình nhiều loại từ khi mới 16 tuổi.
Bản thân ông cũng lái xe rất giỏi nên nhanh chóng gây ấn tượng với giới thượng lưu thời đó. Ông Nguyễn Như Đào, người lái xe cho Bảo Đại từng chia sẻ với VnExpress rằng sở thích của cựu hoàng là được cầm lái và sưu tầm xe hơi phân khối lớn, xe thể thao. Đặc biệt, nhiều xe mới mua về liền bị vua tháo ra lắp vào để thỏa sự tò mò.

"Vua Bảo Đại thường lái hoặc sai tài xế cho xe chạy nhanh như muốn thử cảm giác mạnh vậy. Xuất phát từ Huế lúc 16h chiều nhưng chỉ sớm hôm sau vua đã có mặt ở Đà Lạt để bắt đầu cho chuyến đi săn", ông Đào nói thêm rằng những khi chạy xe đường dài thì cựu hoàng thường thay phiên lái xe để tài xế ngủ lấy sức.
Nổi bật trong dàn siêu xe của Bảo Đại phải kể đến chiếc Ferrari 250 GT TdF, hiện đang được trưng bày tại một bảo tàng ở Pháp. Tuy nhiên, có vẻ như chiếc xe đã được độ chế lại theo ý chủ nhân nên hiện chỉ còn phần vỏ ngoài. Còn phần động cơ bên trong đã được thay đổi. Phía trên logo là biểu tượng hoàng tộc triều Nguyễn vẽ tay như muốn nhắc nhở về một thời kỳ huy hoàng nó từng trải qua.


Ngoài chiếc siêu xe Ferrari, một đồ vật khác của vua Bảo Đại cũng nổi tiếng không kém đó là chiếc đồng hồ Rolex Reference 6062. Nó từng lập kỷ lục đấu giá với mức giá hơn 5 triệu USD trong một phiên đấu giá cuối tuần tại Thụy Sĩ vào năm 2017. Đây là chiếc Rolex phiên bản giới hạn (trên thế giới chỉ còn ba chiếc) được vua Bảo Đại mua vào năm 1954 tại Geneva. Chiếc đồng hồ đắt giá hội tụ cả 3 yếu tố quan trọng gồm tình trạng cổ vật, độ hiếm và giá trị lịch sử.

Trong chiếu thoái vị năm 1945, chính thức chấm dứt nhà Nguyễn và chế độ quân chủ ở Việt Nam, vua Bảo Đại cho biết bản thân đã trải qua nhiều cay đắng trong thời gian lên ngôi, cuối cùng ông muốn làm dân một nước tự do hơn làm vua một nước bị trị. Cuộc đời nhiều sóng gió của vị vua cuối cùng của triều Nguyễn đến nay vẫn gây nhiều sự tò mò cho hậu thế.
(Nguồn: Bestie)