Theo Bộ GD&ĐT, hiện nay, mặc dù tỷ lệ huy động trẻ mầm non ra lớp đã khá cao (từ 3-5 tuổi đến trường là 92,16%, trẻ 5 tuổi là 98,75%) nhưng, ở nhiều vùng nông thôn, miền núi, đối với những gia đình nghèo và cận nghèo, học phí vẫn là rào cản trong việc duy trì sĩ số lớp.
Ảnh minh họa
Báo Dân Việt cho biết, chính vì vậy, việc thực hiện chính sách miễn học phí đối với giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi ở vùng có điều kiện kinh tế khó khăn sẽ nhằm đảm bảo mọi đối tượng trong độ tuổi này đều được tiếp cận với giáo dục.
Thầy Nguyễn Bá Minh – Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non (Bộ GD&ĐT) cho biết, chính sách miễn học phí cho trẻ mầm non cũng là khẳng định theo Nghị quyết số 46/NQ-CP, Chính phủ. Từ trước đến nay, Nhà nước mới chỉ thực hiện miễn giảm đối với các đối tượng chính sách. Việc nhà nước đã phổ cập giáo dục mầm cho trẻ dưới 5 tuổi nhưng lại chỉ miễn học phí cấp tiểu học đã gây khó khăn cho việc huy động trẻ đến trường, nhất là học sinh vùng núi.
Đánh giá cao đề xuất miễn học phí cho trẻ mầm non, nhưng nhiều người cho rằng, việc miễn học phí nếu chỉ được thực hiện ở khối trường công lập sẽ thiệt thòi với một số lượng lớn trẻ em nghèo đang học ở các trường tư thục, các nhóm lớp mầm non tự phát.
PGS.TS Phạm Bích San – Viện nghiên cứu Tư vấn và Phát triển cho rằng:“Tình trạng nhiều, khu công nghiệp “trắng” trường mầm non công lập đã khiến công nhân phải tìm đến các nhóm trẻ tư kém chất lượng, giáo viên, bảo mẫu thiếu trình độ... Đây cũng là nguyên nhân xảy ra hàng loạt các vụ bạo hành trẻ em, làm mất ổn định xã hội và không tạo được cơ sở vững chắc cho sự ổn định trong tương lai”.
Giáo dục Việt Nam và thế giới đang chứng kiến những thay đổi nhanh chóng trong bối cảnh toàn cầu hóa và đứng trước nhu cầu cấp bách phải không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng. Công bằng trong giáo dục cũng được đặc biệt quan tâm. Nhiều chính sách ban hành nhằm hỗ trợ con em người dân tộc thiểu số, con em các gia đình ở vùng sâu, vùng xa, gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, hỗ trợ trẻ em gái và các đối tượng thiệt thòi trong xã hội như chính sách miễn giảm học phí, chính sách cho học sinh nghèo vay vốn đi học, chính sách đầu tư giáo dục cho vùng khó khăn...
Tuy nhiên, cùng với sự phát triển kinh tế thị trường và mở cửa hội nhập, Việt Nam đang đứng trước thách thức tăng khoảng cách giàu nghèo trong xã hội. Điều này đã dẫn tới sự mất cân bằng về chất lượng giáo dục.
Báo Thanh niên cho hay, kết quả điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2014 cho thấy tỷ lệ người dân chưa từng đi học trong dân số từ 15 tuổi trở lên toàn quốc là 5,3%, trong đó, vùng trung du và miền núi phía bắc là 11,1%, đồng bằng sông Hồng 1,9%, bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung 4,7%, Tây nguyên 10%, Đông Nam bộ 3% và đồng bằng sông Cửu Long 7,3%.
Ở các vùng như Tây Bắc, Tây nguyên và Tây Nam bộ, một bộ phận trẻ em phải đi lao động sớm nên tỷ lệ bỏ học cấp tiểu học và THCS khá cao. Trình độ học vấn của người dân có chênh lệch rất lớn giữa vùng thành thị và nông thôn và giữa các vùng trong cả nước, đặc biệt là 2 vùng Tây nguyên và đồng bằng sông Cửu Long là 2 vùng thấp nhất của cả nước.
Trước thực tế này, cần phải thực hiện miễn học phí đối với tất cả các cấp học phổ cập, bao gồm trẻ mầm non 5 tuổi và học sinh (HS) cấp THCS. Nhà nước cần ban hành luật Phổ cập giáo dục THCS bắt buộc thay cho luật Giáo dục phổ cập tiểu học bắt buộc. Trong đó, quy định xử phạt rõ ràng đối với những người vi phạm, tức cản trở hoặc không cho con cái đi học trong độ tuổi bắt buộc. Đồng thời có chính sách hỗ trợ đi học cho những con em gia đình khó khăn, không đủ điều kiện đi học. Tăng học phí đối với cấp THPT, để sau THCS chỉ một bộ phận (70%) đi học THPT, còn lại (30%) đi học các trường nghề.
Nhiều chuyên gia cho rằng, chính sách miễn học phí rất nhân văn, tuy nhiên, nếu miễn học phí, cần công bằng với trẻ học trường tư. Bởi lẽ, bên cạnh một số ít các trường tư thục, chất lượng cao, trường quốc tế dành cho con nhà giàu thì phần nhiều các trường tư thục ở những vùng khó khăn đều là chỗ học tập của học sinh nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, là con em trong các khu công nghiệp, khu chế xuất...
Minh Anh (tổng hợp)