Gaslight - Hiệu ứng tâm lý “cơn ác mộng 4T” đáng sợ nhất với bất kỳ ai

Đó là khi bạn không còn được là chính mình nữa và bắt đầu lo sợ, hoài nghi về mọi thứ. Điều đáng nói là những kẻ lợi dụng hiệu ứng tâm lý Gaslight đôi khi lại là những người bạn tin tưởng, quý trọng và yêu thương nhất.

Gaslight - tên gọi một hiệu ứng tâm lí vốn được xem là “cơn ác mộng 4T” đáng sợ: Thao túng tinh thần.

Thứ chúng ta hoài nghi nhiều nhất, chính là bản thân mình

Gaslight là một hiệu ứng tâm lý được đặt theo tên bộ phim khá nổi tiếng ra mắt vào năm 1944. Trong phim, nhân vật chồng vì muốn ăn chặn khoản tiền thừa kế cũng như tài sản kếch xù mà cô được hưởng từ cha mẹ nên đã lên kế hoạch biến vợ mình thành một người điên. Người chồng liên tục thay đổi vị trí các đồ vật trong nhà rồi khăng khăng trách móc vợ lẩn thẩn, nhớ nhầm mọi thứ. Thậm chí, gã còn độc ác tới mức chỉ để ánh sáng đèn (chạy bằng ga) ở mức mờ mờ, khiến ngôi nhà lúc nào cũng trong tình trạng tranh tối tranh sáng. Người vợ, vì quá tin tưởng và yêu chồng, nên bắt đầu đặt dấu hỏi về chính mình. Cô nghĩ rằng mình chưa già đã lẫn, có khi mình đã mắc bệnh tâm lý gì đó cũng nên.


Từ đó, hiệu ứng tâm lý Gaslight được nói tới để chỉ những kẻ xấu xí luôn tìm mọi cách để thao túng suy nghĩ, cảm giác, nhận thức của một ai đó, khiến họ có cái nhìn lệch lạc, sai lầm về cuộc sống cũng như về bản thân.
Tuy nhiên, kẻ xấu không thể sử dụng hiệu ứng Gaslight thành công để mang lại lợi ích cho chúng nếu như chúng ta bớt hoài nghi bản thân mình đi một chút.

Gần đây có những cảnh báo rằng xã hội đang ngày càng sản sinh ra lắm những kẻ ái kỷ (narcissist), luôn yêu thương, chiều chuộng và tin vào bản thân mình hơn bất kì ai, ngày chưa chụp đủ 100 tấm selfie để ngắm sự hoàn hảo của mình thì chưa yên tâm… Nhưng có lẽ, ái kỷ sẽ tốt hơn rất nhiều một người luôn mang trong mình tư tưởng self-hate (ghét bỏ bản thân), self-blame (buộc tội bản thân), lúc nào cũng cho mình là thất bại của tạo hóa, là con cừu đen ngu ngốc của gia đình. Chính những người mang tư tưởng hờn trách bản thân ấy chính là những cá nhân hay hoài nghi mình nhất, và cũng chính vì thế, mà dễ bị “dính chưởng” Gaslight - bị thao túng tinh thần nhất!

Nỗi ám ảnh khi bị thao túng tinh thần

Chắc chắn chúng ta đều ít nhất một lần trong đời bị mắc phải hiệu ứng Gaslight mà không hề hay biết. Đó thực sự là cảm giác rất tệ hại và kinh khủng!

 


Khi bạn liên tục nhận phải những lời chê bai, chỉ trích trong việc học hành mà rõ ràng không phải bạn không có khả năng, chỉ là bạn chưa “được lòng” thầy cô giáo lắm. Của đáng tội, người bị trù dập không thương tiếc trong lớp lại chỉ có mình bạn! Dần dần, thay vì cố gắng học tập thật tốt, chứng minh năng lực, bạn lại quay sang hồ nghi chính khả năng của mình và cuối cùng tặc lưỡi “Có khi mình kém cỏi thật!”.

Một người nữa cũng rất giỏi thao túng tinh thần bạn chính là nàng “queenbee” trong hội bà tám. Có phải cô ấy luôn làm như vô tình chê bai chiếc áo bạn mặc, chiếc điện thoại bạn dùng hay chiếc xe máy bạn đang đi? Cô ta đang khiến bạn có cảm giác mình được đi cạnh đã là một đặc ân rồi và phải làm thế nào để xứng đáng với đặc ân đấy.

Hiệu ứng Gaslight vì thế mà trở nên đáng sợ. Nó khiến chúng ta không còn lòng tin vào chính mình. Khiến chúng ta cảm thấy mình thật “kém tắm” và lúc nào cũng sống trong tình trạng lo lắng, sợ hãi, ngờ vực mọi thứ. Có một điều ít ai nhận ra, vì sao Gaslight lại có tác dụng kinh khủng như thế?

Đó là bởi nó đánh thẳng vào nỗi sợ hãi lớn nhất của chúng ta trong thời đại này: Nỗi sợ hãi BỊ BỎ RƠI (FOMO - The Fear Of Missing Out). Chúng ta sợ bị gạt ra ngoài rìa của xã hội, sợ sẽ chẳng còn ai thèm yêu mình, thèm chơi với mình, sợ bị so sánh với những cá nhân kiệt xuất trong và ngoài gia đình, sợ bị bỏ lại phía sau. Vậy là chúng ta nhắm mắt nhắm mũi nghe theo sự thao túng của người khác, mà chẳng cần biết bản thân mình đang thực sự cảm thấy thế nào, trực giác của mình đang muốn nói điều gì.

Học cách tin vào trực giác và bản thân

Trước khi để bản thân bị cuốn quá sâu vào vòng xoáy Gaslight (chắc chắn một khi biết bạn là kẻ dễ bị thao túng, sẽ không chỉ có một người muốn lợi dụng bạn), hãy học cách tin vào trực giác của bản thân.
Nhưng gượm đã, bạn cần biết nốt đoạn kết của bộ phim Gaslight kia. Một thanh tra cảnh sát đã xuất hiện đúng vào lúc người vợ sắp sửa tin rằng mình bị điên thật. Khi cô nói với chồng rằng ánh sáng của chiếc đèn ga cứ như sắp tắt, gã chồng đã liên tục phủ nhận, nói rằng đèn vẫn sáng bình thường. Cho đến khi viên thanh tra kia đến nhà, và trấn an người vợ rằng “Đừng sợ, tôi tin cô. Vì tôi cũng thấy ánh đèn đó chỉ chiếu sáng lờ mờ!”.

Điều trước tiên bạn cần để tin lại vào bản thân, đó là có một người kéo bạn ra khỏi hiệu ứng Gaslight trước đã.

Khi bị lừa dối, hãy tìm một người bạn (bạn thực sự nhé) để cho bạn lời khuyên.

Khi bị “đì” trong học hành, công việc, hãy tìm một người lớn tuổi bạn tin tưởng để trò chuyện về năng lực và đam mê của mình.

Khi bị bạn bè dìm hàng, xa lánh, hãy tìm một người lạ để nói chuyện, làm quen. Để thấy trong mắt một người khác, bạn thực sự là người như thế nào.
Đôi khi bị bỏ lại phía sau chưa phải là điều tệ nhất. Đi một mình có sao. Cô đơn có sao. Điều đáng buồn hơn cả là một ngày kia bạn thức dậy và không còn tìm thấy cho mình niềm vui sống hay niềm tin vào những điều tích cực nữa.

Đã đến lúc rũ bỏ cơn ác mộng 4T ấy ra khỏi cuộc đời mình rồi.

Theo Hoa Học Trò

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Gaslight - Hiệu ứng tâm lý “cơn ác mộng 4T” đáng sợ nhất với bất kỳ ai tại chuyên mục Cẩm nang của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Cẩm nang khác

Vì sao gọi gấc là "loại quả đến từ thiên đường"

Quả gấc là một trong những thực phẩm được sử dụng nhiều trong ẩm thực của người Việt bởi tính chất thơm, ngon. Mặt khác, đây cũng là loại "quả vàng" mà nước ta đang sở hữu với những tác dụng tuyệt vời cho sức khoẻ vì những hàm lượng cao chất dinh dưỡng và hoạt chất phòng bệnh.

Khi đói cần tránh ăn những loại quả nào?

Trái cây là món quà của thiên nhiên dành cho sức khỏe của chúng ta. Tuy nhiên, việc chọn lựa thời điểm ăn trái cây cũng quan trọng không kém việc chọn loại trái cây nào phù hợp với cơ địa của mỗi người.