Đam mê phát triển nghề múa lân sư rồng
Trung tâm nghệ thuật múa Lân sư rồng Nam Thiên Đường (quận Cầu Giấy, Hà Nội) do anh Lê Quang Huy thành lập năm 2010. Sau hơn 10 năm hoạt động, trung tâm đã có một số thành tích đáng kể như giành giải Ba Lân sư rồng mở rộng tại Quảng Ninh năm 2017-2018; giải Nhì Lân địa bửu tại Hội Võ thuật cổ truyền Hà Nội mở rộng năm 2016.
Tết Nguyên đán, Tết Trung thu là hai thời điểm trung tâm đắt “show” nhất, như dịp Trung thu 2023, số lượng đặt hàng lên tới hơn 300 đơn. Khách hàng thân quen của Nam Thiên Đường là các trường mầm non, tiểu học, khu dân cư và nhiều chương trình, sự kiện biểu diễn tại Hà Nội cũng như các tỉnh. Xuất phát từ niềm đam mê nghệ thuật múa lân truyền thống, anh Quang Huy thường xuyên trau dồi, cập nhật thêm kiến thức mới về lân, sư, rồng, trống hội nhằm duy trì nét văn hóa độc đáo này; đặc biệt là kèm cặp cho các bạn nhỏ có đam mê múa lân, phục vụ cho những sự kiện lớn, hoặc giải thi đấu Lân sư rồng toàn quốc.
Được biết, ngày đầu thành lập Trung tâm Nam Thiên Đường chỉ có 25 thành viên. Hiện tại, số thành viên đã lên tới 105 người, trong đó học viên dưới 20 tuổi là 15 người, dưới 15 tuổi có 10 bạn.
Kiên trì mới thành công, thể lực là mấu chốt
“Các em nhỏ từ 5-6 tuổi đã có thể học gõ như gõ trống, xã, lố (phần âm thanh trong mục múa Lân sư rồng trống hội) và từ 9-10 tuổi thì học múa lân được rồi. Ở nhiều nước trên thế giới còn có cả giải múa lân cho thiếu nhi nữa đó” - anh Huy cho biết.
Theo lời kể của anh Quang Huy, các bạn nhỏ học múa lân, sư, rồng tại Trung tâm Nam Thiên Đường đa số đều có hoàn cảnh khó khăn. Bên cạnh niềm yêu thích múa lân, các bạn cũng muốn kiếm thêm thu nhập phụ giúp gia đình, để có thể mua những thứ mình thích hay dùng làm quà tặng nhân dịp sinh nhật bố mẹ.
Học múa lân sư rồng không quá khó nhưng đòi hỏi bạn nhỏ phải tập trung cao độ, thể lực tốt và sự “tinh ranh” nhất định. Điển hình như bộ môn âm thanh trong lân sư rồng, học viên nếu có một chút cảm thụ âm nhạc thì sẽ bắt nhịp rất nhanh và sau có thể nghĩ ra nhiều nhịp trống mới hay hơn những nhịp cơ bản. Còn về múa lân, các bạn cần có sức khỏe dẻo dai và nhanh nhẹn để luyện tập chắc các kỹ thuật và thi triển sao cho đẹp mắt. Múa lân là bộ môn tập thể vì có đến 10 người trong một bài diễn nên rất cần sự phối hợp hoàn hảo và hiểu ý nhau của các thành viên. Ở lứa tuổi nhỏ, thể lực là mấu chốt vì nếu sức khỏe không tốt sẽ hạn chế một số kỹ thuật và nếu thời gian tập luyện không đủ lâu, cũng sẽ khiến chúng mình khó đi biểu diễn được. Bởi một bộ đồ biểu diễn kèm phụ kiện cũng nặng khoảng 7-8kg mà!
Để trở thành nghệ sĩ múa lân thực thụ
Bạn biết không, nghệ sĩ múa lân sư rồng không phải chỉ biết gõ trống, chiêng, xã hay múa đầu lân, đuôi lân thôi đâu. Để chinh phục những đỉnh cao thực sự như Lân múa Mai Hoa Thung điêu luyện phải mất hơn một năm tập luyện đó!
Bởi vậy, khó khăn đầu tiên để tập môn này là đòi hỏi về thời gian. Người nhanh nhất để học hết và tìm cho mình những món phù hợp cũng phải mất 8 tháng đến hơn 1 năm và phải có chế độ tập luyện như vận động viên thể thao, ngày 2 ca sáng - chiều gần 8 tiếng để có đủ thể lực.
Cùng với đó là sự tinh tế trong cách thể hiện trạng thái linh hoạt của con lân như thể người và lân được hòa vào làm một, từ cái chớp mắt, đớp miệng, hay gãi tai… Vì khi biểu diễn những tiết mục như Lân Hỉ Tửu (Rồng uống rượu say sưa); giận dữ khi giết rắn cứu con hoặc vui mừng khi cứu được con của mình trong các bài thi biểu diễn lân sư rồng; hay khi đi biểu diễn lân phá cỗ hoa quả xếp chữ tài lộc mang may mắn, sung túc cho gia chủ trong dịp khai trương, tân gia… thì phải làm sao cho mọi người biết là lân đang vui, đang buồn hay giận dữ. Các học viên mới vào nghề sẽ học trống, chiêng, lố hay múa đầu lân. Múa chắc chắn rồi có thể tập “Lân nhảy bụt” (nhảy với bàn ghế), sau đó đến cột sắt là Mai Hoa Thung, như Mai Hoa Thung nước ngoài còn có cả tiết mục đi trên dây cáp nối 4 cột sắt…
Ngôi nhà thứ hai ấm áp
Ở Trung tâm nghệ thuật múa Lân sư rồng Nam Thiên Đường, học viên được chăm lo mọi chi phí ăn uống tại điểm diễn và kết thúc buổi diễn. Trung tâm hỗ trợ quần áo, giày dép đồng phục, cung cấp lịch diễn để các bạn có thể kiếm thêm thu nhập và trải nghiệm niềm vui tập thể, đoàn kết.
Anh Lê Quang Huy tâm sự: “Mình thật sự trân quý các em nhỏ vì đã đam mê và theo đuổi bộ môn này, trước hết để gìn giữ phong tục cổ truyền, sau đó là góp sức giúp các sự kiện được vui vẻ, sinh động hơn trong ngày đặc biệt. Trung tâm như gia đình nhỏ thứ hai của mình trong cuộc sống. Ở đây có vui, có buồn, có đau khi vấp ngã và có hạnh phúc sau khi tập luyện xong cũng như hoàn thành bài thi hay show diễn. Vui nhất là khi được nhìn thấy các em biết lắng nghe, học hỏi và đoàn kết xây dựng tập thể”.
Cậu bạn Đào Anh Khoa (lớp 7A4, trường THCS Vạn Phúc, quận Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ: “Tớ theo học múa lân sư rồng được 3 tháng rồi. Lúc đầu lựa chọn môn này là vì nhìn các anh biểu diễn trông rất… ngầu, sau mới biết để thành thục múa lân không hề đơn giản, phải cần sự kiên trì và tập trung cao độ. Nhờ việc tập luyện tại Trung tâm mà từ một đứa trẻ nhút nhát, tự ti giờ đây tớ đã trở thành một con người hoàn toàn khác: Tự tin, hòa đồng và dẻo dai hơn rất nhiều. Nơi đây thực sự cho chúng tớ cảm giác như được trở về nhà…”.
Bài viết được đăng tải trên ấn phẩm Tết TNTP Thứ Tư, số 17+21 năm 2024, mời các bạn độc giả mua báo đón đọc nhé!
Còn nhiều bài viết hay, hấp dẫn, các câu chuyện thú vị đang chờ đón bạn khám phá tại ấn phẩm TNTP Thứ Tư. Nếu bạn quan tâm có thể mua báo và đọc trực tuyến tại cửa hàng trực tuyến của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhé! |