Tuổi 12-13, các bạn gái bước vào giai đoạn dậy thì với sự thay đổi cả về tâm lý và sinh lý, trong đó phải kể đến sự thay đổi chóng mặt của “vùng kín”. Ngoài sự khác biệt điển hình được đánh dấu bằng chu kỳ nguyệt san thì cả bên trong và bên ngoài của khu vực "tam giác vàng" cũng có sự lột xác.
Tuổi dậy thì con gái sẽ có sự thay đổi chóng mặt về cả bên trong và bên ngoài.
Vùng kín ngoài việc thay đổi cấu tạo hướng ra ngoài, sự phát triển của "vi ô lông" thì chúng mình còn thấy thay đổi bên trong với sự xuất hiện của huyết trắng sinh lý hay còn gọi là khí hư có màu trắng trong tiết ra từ bên trong cô bé. Đây là dấu hiệu sinh lý bình thường. Dịch tiết này tạo cơ chế bảo vệ tự nhiên cho cơ quan này và giữ ẩm.
Vào thời kỳ huyết trắng sinh lý tiết ra nhiều (giai đoạn chuẩn bị rụng trứng) hoặc là thời kỳ nguyệt san, chất tiết đọng lại lâu ở quần chíp và các khe kẽ bên ngoài "cô bé" sẽ tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển khiến "vùng kín" có mùi hôi, ngứa ngáy. Trường hợp không vệ sinh sạch sẽ hàng ngày có thể khiến vùng kín bị viêm nhiễm.
Mặc quần chíp làm từ bông cũng là một trong những cách phòng chống viêm nhiễm phụ khoa nữ.
Mặt khác, "cô bé" của các bạn gái có cấu tạo giống như ống đèn xếp mở hẳn ra ngoài, lại có vị trí gần niệu đạo, hậu môn nên rất dễ bị vi khuẩn có hại xâm nhập, nhiễm khuẩn và gây ra viêm ngứa. Đặc biệt là với những cô nàng thích dùng đồ chíp dây hoặc lọt khe vì khả năng bị viêm nhiễm là rất cao. Nguyên nhân là con đường di chuyển của vi khuẩn được rút ngắn hơn bao giờ hết và do bị cọ xát nhiều.
"Cô bé" bị viêm nhiễm nếu không được chữa trị dứt điểm hoặc điều trị đúng cách sẽ để lại rất nhiều hậu quả tai hại. Bởi vậy khi thấy dấu hiệu bất thường bạn hãy tâm sự với mẹ, với chị để được giúp đỡ, được đưa đến các địa chỉ khám uy tín. Cách phòng bệnh tốt nhất đó là tự chăm sóc, vệ sinh sạch sẽ cho "vùng kín" của mình hàng ngày, teengirl nhé.
Ngọc Ly