Đám cưới tại Ấn Độ không chỉ nổi tiếng bởi sự cầu kỳ, màu sắc sặc sỡ mà còn bởi những nghi lễ, các quy tắc truyền thống "lạ lùng". Điển hình phải kể đến một số quy tắc dưới đây:
Cô dâu không mặc váy trắng
Không giống như các quốc gia khác, trong ngày cưới, cô dâu Ấn Độ không được mặc váy màu trắng. Bởi theo văn hóa Ấn Độ giáo, đây là màu thường thấy thấy trong đám tang. Thay vào đó, cô dâu mặc sari (trang phục truyền thống) có màu sắc sặc sỡ. Những bộ trang phục này thường là màu đỏ vì mang đến một loạt ý nghĩa tích cực.
Tay và chân cô dâu được trang trí Henna
Trước khi lễ cưới diễn ra, cô dâu tương lai sẽ sử dụng những họa tiết Henna phức tạp để trang điểm cho bàn tay và bàn chân của mình. Đây thường được gọi là nghi lễ Mehndi. Việc vẽ Henna lên tay, chân được bắt nguồn từ niềm tin nó có khả năng giúp quá trình sinh thuận lợi. Đồng thời giúp xua đuổi tà ma cho cặp vợ chồng.
Mẹ cô dâu nhéo mũi chú rể
Trong các đám cưới ở bang Gujarat (Ấn Độ) thường diễn ra một tục lệ, mẹ cô dâu sẽ nhéo mũi chú rể một cách vui vẻ và thân thiện. Hành động nhéo mũi này được cho là như một lời nhắc nhở về sự khiêm tốn, trân trọng cô dâu.
Cô dâu ném gạo qua đầu
Khi lễ cưới gần kết thúc, cô dâu sẽ thực hiện một nghi lễ cuối cùng tên là Viddai để nói lời tạm biệt với cha mẹ của mình. Trong nghi lễ này, cô dâu phải ném một nắm gạo qua đầu và mẹ cô dâu đứng ở phía sau phải đỡ lấy được. Đây chính là một cách tượng trưng cho lời cảm ơn của con cái dành cho cha mẹ. Cảm ơn cha mẹ vì tất cả những gì họ đã làm cho mình.
Chú rể được rửa sạch chân bằng sữa và mật ong
Ở một số nơi tại cộng đồng Gujarati có một phong tục rất độc đáo. Khi chú rể đến nhà cô dâu thì mẹ cô dâu sẽ chào đón bằng cách rửa chân cho con rể bằng sữa và mật ong. Hỗn hợp này có tên gọi Madhuparka, nó là một trong những nghi lễ cổ xưa được người Ấn Độ dùng để chào đón khách.