Tất tần tật những điều bạn cần biết về hàm duy trì: có mấy loại hàm và liệu có phải đeo hàm duy trì sau khi niềng răng không?

Minh Hồng
Với hội đồng niềng, được đeo hàm duy trì chính là dấu hiệu cho thấy quá trình niềng răng đang dần đi tới “hồi kết”, các bạn ấy sắp sở hữu hàm răng mơ ước rồi.

Sau khi kết thúc quá trình niềng răng và hàm răng của bạn đã vào đúng vị trí mong muốn, nha sĩ sẽ đưa cho bạn thêm một dụng cụ nữa có tên hàm duy trì để giữ cho răng luôn đều và đẹp. 

Hàm duy trì được làm từ nhựa hoặc kim loại và được thiết kế riêng biệt cho từng người. Dụng cụ này được dùng để giữ cho răng thẳng đều và thường sử dụng trong lúc niềng răng hoặc sau khi hoàn tất quá trình niềng răng nhằm ngăn chặn tình trạng răng dịch chuyển trở về vị trí cũ.

Tất tần tật những điều bạn cần biết về hàm duy trì: có mấy loại hàm và liệu có phải đeo hàm duy trì sau khi niềng răng không? - Ảnh 1

Việc đeo hàm duy trì là rất cần thiết vì nó đóng một vai trò rất quan trọng trong việc cố định kết quả của quá trình chỉnh nha. Bạn sẽ cần phải đeo hàm duy trì với tần suất 24/7 trong một khoảng thời gian nhất định, tùy thuộc vào đề xuất của nha sĩ.

Các loại hàm duy trì

Có hai loại hàm duy trì là loại có thể tháo rời và loại cố định, mỗi loại sẽ có những ưu điểm và khuyết điểm khác nhau. Tùy thuộc vào tình trạng răng và nhu cầu, nha sĩ sẽ thiết kế loại hàm duy trì phù hợp với bạn nhất.

Hàm duy trì tháo lắp

Hàm duy trì tháo lắp trong suốt

Hàm duy trì tháo lắp trong suốt được làm từ nhựa trong suốt và được thiết kế vừa khít với răng của bạn. Đây là loại hàm duy trì được nhiều người sử dụng vì tính thẩm mỹ cao, thoải mái khi sử dụng. Loại hàm duy trì trong suốt này rất dễ bị nhầm lẫn với dụng cụ niềng răng mắc cài trong suốt (invasalign) vì vẻ ngoài khá giống nhau.

Điểm trừ của loại này nếu bạn có thói quen nghiến răng, bạn sẽ gặp khó khăn vì loại hàm duy trì này có thể bị mòn do chuyển động nghiến răng lặp đi lặp lại.

Tất tần tật những điều bạn cần biết về hàm duy trì: có mấy loại hàm và liệu có phải đeo hàm duy trì sau khi niềng răng không? - Ảnh 2

Hàm duy trì Hawley

Hàm duy trì Hawley là loại truyền thống được làm từ nhựa hoặc acrylic cho phần vòm miệng trên và dây kim loại cho răng, được thiết kế riêng biệt dựa vào cấu trúc răng. 

Ưu điểm của loại này là bền và có hiệu quả cao. Tuy nhiên, chúng có nhược điểm là khá khó chịu trong thời gian đầu và có thể ảnh hưởng đến cách phát âm của bạn. Nhưng cảm giác khó chịu này sẽ biến mất khi đã quen. Thêm một điểm trừ nữa là loại hàm này cũng không có tính thẩm mỹ cao vì khá cồng kềnh và dễ gây chú ý hơn các loại hàm duy trì khác.

Hàm duy trì cố định

Hàm duy trì cố định là loại hàm làm bằng dây kim loại được cố định bằng keo vào mặt sau của răng (răng nanh). Không giống như loại hàm duy trì tháo lắp, loại này thường được dùng cho hàm dưới. Nó mang lại hiệu quả và có tính thẩm mỹ cao, tồn tại vĩnh viễn vì được gắn chặt vào răng. 

Nhưng loại hàm này có thể sẽ gây khó chịu vào thời gian đầu và rất khó làm sạch. Các răng cửa hàm dưới có xu hướng tích tụ nhiều mảng bám và vôi răng hơn. Theo thời gian, những mảng bám và vôi răng này có thể dẫn đến các vấn đề về răng miệng như sâu răng, viêm nha chu… Vì vậy, hãy giữ vệ sinh cho răng miệng, đặc biệt là phần hàm dưới cẩn thận mỗi ngày.

Thêm một nhược điểm khác nữa là bạn cần hạn chế cắn những vật cứng để giảm thiểu nguy cơ hàm duy trì bị gãy và cong. Khi gặp phải vấn đề này, bạn cần phải nhờ đến sự hỗ trợ của nha sĩ ngay lập tức. Nếu hàm duy trì cố định bị gãy và không được chỉnh sửa, răng bạn sẽ dần trở lại vị trí trước khi niềng.

Tất tần tật những điều bạn cần biết về hàm duy trì: có mấy loại hàm và liệu có phải đeo hàm duy trì sau khi niềng răng không? - Ảnh 3

Cách vệ sinh hàm duy trì hiệu quả

Đối với hàm tháo lắp:

- Làm sạch hàm duy trì bằng nước ấm sau khi tháo. Vệ sinh ngay sau khi ăn sẽ giúp thức ăn không đóng cặn trên hàm duy trì

- Hãy mua nước ngâm chuyên dụng

- Sử dụng bàn chải đánh răng lông mềm và kem đánh răng dịu nhẹ để chà chúng 1 lần/ngày. Lưu ý chọn loại kem đánh răng phù hợp vì nhiều loại kem đánh răng có tính mài mòn, có thể làm xước hàm duy trì. Nếu không chắc chắn hãy nhờ đến sự tư vấn của nha sĩ trong việc chọn kem đánh răng

- Hãy dùng tăm bông sạch nhúng vào nước để làm sạch những mảnh vụn thức ăn bị kẹt, tuyệt đối không được đun sôi.

Tất tần tật những điều bạn cần biết về hàm duy trì: có mấy loại hàm và liệu có phải đeo hàm duy trì sau khi niềng răng không? - Ảnh 4

Đối với hàm cố định:

Chính vì tính cố định mà loại hàm này sẽ nằm trong chế độ vệ sinh răng hằng ngày. Việc dùng chỉ nha khoa sau mỗi bữa ăn và đánh răng cẩn thận, kỹ càng sẽ giúp loại bỏ các mảng bám tích tụ và các mảnh thức ăn xung quanh hàm duy trì cố định.

 

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bài liên quan

Bài Cẩm nang khác

Khi đói cần tránh ăn những loại quả nào?

Trái cây là món quà của thiên nhiên dành cho sức khỏe của chúng ta. Tuy nhiên, việc chọn lựa thời điểm ăn trái cây cũng quan trọng không kém việc chọn loại trái cây nào phù hợp với cơ địa của mỗi người.