Theo VnExpress đưa tin, phát biểu trong một hội thảo ở Hà Nội ngày 2/3, Phó giáo sư Lê Bạch Mai, Phó Viện trưởng Viện dinh dưỡng quốc gia cho biết, trong 30 năm qua chiều cao người Việt và đặc biệt là trẻ em có sự cải thiện nhưng chậm. Chiều cao trung bình hiện tại của nam giới là 164,4 cm và của nữ là 153,4 cm. Tốc độ tăng chỉ khoảng 1-1,5 cm trong một thập kỷ.
Nguyên nhân của tình trạng này, một phần lớn là do thói quen ăn uống của người dân thừa đạm, thiếu canxi, ít ăn thủy sản và ăn quá mặn. Khẩu phần canxi 35 năm nay không thay đổi, chỉ đáp ứng 60% khẩu phần khuyến nghị. Nguồn thức ăn không đủ canxi. Sữa là nguồn giàu canxi, dễ hấp thụ, nhưng chưa là khẩu phần bình thường trong bữa ăn mà chỉ dành cho trẻ em, người ốm, người già. Trong khi đó, cua, tôm, cá nhiều canxi, song nếu vậy phải ăn cả mai và yếm cua, cá ăn cả xương, tôm ăn cả vỏ.
Không những thế lượng canxi ít ỏi lại bị đào thải nhiều do thói quen ăn quá nhiều đạm, ăn quá mặn. Người Việt ăn mặn gấp 3 lần khuyến cáo, với hơn 15 mg muối mỗi ngày. Chế độ ăn nhiều protein làm tăng bài xuất canxi theo nước tiểu.
Tỷ lệ suy sinh dưỡng thấp còi ở nước ta vẫn ở mức cao, gần 25%. Như vậy, tính trung bình mỗi năm có khoảng 1,9 triệu trẻ bị suy sinh dưỡng thấp còi. Số trẻ này khi lớn lên sẽ thiếu hụt khoảng 10 cm chiều cao với bạn bè cùng tuổi.
Theo phó giáo sư Mai, để hấp thu tốt canxi cần có vitamin D, tuy nhiên khẩu phần vitamin này của người Việt cũng rất thấp. Khẩu phần ăn hiện chỉ đáp ứng được 10% nhu cầu khuyến nghị. 80-90% vitamin D của cơ thể chủ yếu tổng hợp từ tiền chất vitamin D dưới da nhờ tác động quang hóa của tia cực tím ánh nắng mặt trời. Nhiều người chưa có thói quen tắm nắng, phụ nữ đi ra đường lại che nắng quá nhiều mà không biết ánh nắng trước 10h sáng và sau 16h rất cần thiết với cơ thể.
Thấp bé, nhẹ cân không phải là thuộc tính di truyền của người Việt. Nếu cải thiện chế độ ăn nghèo canxi như hiện nay, cộng thêm luyện tập thể thao thì tầm vóc của người Việt có thể được cải thiện. Trong 100 g sữa tươi có khoảng 120 mg canxi; 100 g phomai có 720 mg canxi; 100 g sữa chua có 65-150 mg canxi.
Cần làm gì để giúp học sinh tăng chiều cao trong giai đoạn đang phát triển?
Theo tri thực trực tuyến thông tin, có rất nhiều cách có thể áp dụng để tăng chiều cao của các bạn nhỏ trong giai đoạn phát triển. Dưới đây là những cách giúp trẻ tăng chiều cao:
Thời kỳ mang thai: Trong quãng thời gian mang thai, chế độ dinh dưỡng của mẹ ảnh hưởng đến trọng lượng và chiều dài tăng trưởng của thai nhi. Chính vì vậy trước thời kỳ mang thai, trong thời kỳ mang thai, thời gian cho con bú, người mẹ phải ăn uống đầy đủ các dưỡng chất quan trọng đó là chất đạm, i-ốt, sắt, axit folic, các axit béo chưa no (DHA, ARA)... để con phát triển khỏe mạnh.
Chế độ dinh dưỡng: Bên cạnh di truyền, chế độ dinh dưỡng tác động lớn đến chiều cao hơn cả gen di truyền. Sự tăng trưởng thể chất, tầm vóc của trẻ chịu tác động trực tiếp của chế độ dinh dưỡng.
Dinh dưỡng đóng góp đến 32% vào sự phát triển chiều cao của trẻ. Dinh dưỡng cần phải có đủ năng lượng phù hợp với từng lứa tuổi. Nếu quá ít bé sẽ suy dinh dưỡng nhưng quá nhiều lại gây béo phì.
Bữa ăn của các bạn nhỏ cần đảm bảo đầy đủ 4 nhóm thực phẩm: đạm (chiếm 10-15% tổng năng lượng), tinh bột (chiếm 60-65% tổng năng lượng), chất béo (chiếm 10% tổng năng lượng) và vitamin và khoáng chất. Không nên ăn bất cứ thứ gì quá nhiều, gây mất cân bằng.
Thể dục thể chất: Sụn xương là yếu tố hình thành chiều cao của bé. Để xương phát triển khỏe mạnh, việc tập thể dục, thể thao là điều cần thiết nhất. Lối sống ít vận động sẽ ức chế sự phát triển của cơ, xương, qua đó làm giảm chiều cao lẽ ra có thể đạt được.
Một số môn thể thao tốt cho việc phát triển chiều cao như đu xà, bơi lội, bóng rổ, các bài tập kéo dài như rướn dài kiểu mèo, kiểu rắn hổ mang, bài tập kéo dài chân...
Minh Phương (tổng hợp)