4 nguyên nhân khiến nhiều người dù đã tiêm vaccine vẫn mắc Covid-19

Minh Hồng
Vaccine là chìa khóa giúp chúng ta đẩy lùi đại dịch nhưng thực tế vẫn ghi nhận nhiều trường hợp mắc Covid-19 sau khi tiêm vaccine.

Dưới đây là 4 nguyên nhân được các chuyên gia lý giải vì sao một người đã tiêm vaccine vẫn mắc Covid-19.

1. Do hiệu quả của vaccine

Thực tế chưa có loại vaccine nào hiện nay có thể hiệu quả 100% với Covid-19. TS Nguyễn Hồng Vũ, Viện Nghiên cứu ung thư (City of Hope, California, Mỹ), Cố vấn khoa học Ruy Băng Tím, thông tin với Zing rằng: vaccine Covid-19 của Pfizer/BioNTech hoặc Moderna thường được biết đến với hiệu quả (vaccine effectiveness) là khoảng trên 90%, AstraZeneca là hơn 70%, sau 2 hoặc 3 tuần được tiêm mũi thứ 2.

Nghĩa là không phải 100% người được tiêm vaccine của Pfizer/BioNTech, Moderna hoặc AstraZeneca không có nguy cơ bị nhiễm bệnh. Do vậy, dù đã được tiêm vaccine nhưng người dân vẫn cần tuân thủ các khuyến cáo từ cơ quan chức năng. 

Cơ chế hoạt động của vaccine như sau: khi được tiêm vào cơ thể, các thành phần có trong vaccine sẽ kích thích cơ thể tạo ra "kháng thể" đặc hiệu. Các kháng thể này có khả năng nhận diện và bám lên bề mặt virus khi chúng có cơ hội tiếp xúc cơ thể của bạn qua dịch trong người như nước mũi, nước bọt và cả nước mắt…

Các kháng thể này bám lên virus (cụ thể là protein S của virus) và bất hoạt chúng trước khi chúng có thể chạm lên tế bào của bạn để vào bên trong. Do vậy, virus không thể xâm nhiễm vào bên trong tế bào và bạn sẽ không bị bệnh.

"Để dễ hình dung, các kháng thể này như những tấm khiên được tạo ra để ngăn những mũi tên của quân địch bắn tới. Mức độ hiệu quả của việc ngăn chặn những mũi tên này phụ thuộc vào 'chất lượng của những tấm khiên' và 'mật độ của những mũi tên'. Dĩ nhiên, không có tấm khiên nào có thể đảm bảo 100% hiệu quả bảo vệ", tiến sĩ Vũ nói.

4 nguyên nhân khiến nhiều người dù đã tiêm vaccine vẫn mắc COVID-19 - Ảnh 1

2. Do xuất hiện biến chủng nguy hiểm

Cũng theo TS Nguyễn Hồng Vũ, các chủng virus nguy hiểm hơn sẽ có xác suất nhiễm cao hơn. Đến nay, có 4 biến chủng virus SARS-CoV-2 được WHO xếp vào nhóm đáng quan ngại bao gồm Alpha, Beta, Gamma và Delta. Trong đó, biến chủng Delta được đánh giá nguy hiểm nhất, hiện đang “thống trị” trên toàn cầu bởi khả năng lây lan cao.

Các loại vaccine hiện nay dù vẫn còn hiệu quả bảo vệ trước chủng Delta nhưng hiệu lực cũng giảm đi đáng kể. Một nghiên cứu ở Anh đăng trên tạp chí NEJM đã cho thấy đối với chủng Delta, hiệu lực của vaccine Pfizer vẫn còn 88% và AstraZeneca là 67%. 

Dù vậy, so với những người chưa tiêm chủng, trường hợp đã được tiêm đầy đủ ít có nguy cơ bị nhiễm bệnh bởi chủng Delta hơn khoảng 5 lần, khả năng nhập viện vì Covid-19 thấp hơn 10 lần và nguy cơ tử vong do biến thể này thấp hơn 11 lần.

4 nguyên nhân khiến nhiều người dù đã tiêm vaccine vẫn mắc COVID-19 - Ảnh 2

3. Cơ thể mất thời gian để kích hoạt hệ miễn dịch

Sau khi tiêm vaccine mũi 1, cơ thể cần thời gian để kích hoạt hệ thống miễn dịch nên trong vòng 2, thậm chí là 3 tuần, nguy cơ lây nhiễm của người được tiêm vẫn rất cao. Nhiều báo cáo ghi nhận bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2 sau liều đầu tiên và điều này đã được dự báo trước. Kể cả khi đã tiêm đủ 2 liều, bạn vẫn có khả năng bị nhiễm bệnh dù xác suất này không nhiều.

Ngoài ra, một số nghiên cứu đã đưa ra nhận định hiệu quả có khả năng giảm dần theo thời gian. Đó là lý do khoảng nhiều nước đang có kế hoạch tiến hành mũi tiêm nhắc lại sau 6-8 tháng.

Chuyên gia giải thích lý do trẻ em Việt Nam chưa tiêm vaccine COVID-19  - Ảnh 1

4. Tuỳ thuộc vào khả năng miễn dịch của mỗi người

Những người có hệ miễn dịch yếu hoặc suy giảm thì hiệu quả vaccine không cao như trường hợp khoẻ mạnh, TS Nguyễn Hồng Vũ cho hay.

Cùng quan điểm, TS Phạm Đức Hùng (từng thực tập ở Đại học Harvard, Mỹ; tốt nghiệp tiến sĩ tại Đại học Leuven, Vương quốc Bỉ) cũng cho rằng nguy cơ nhiễm Covid-19 sẽ phụ thuộc vào khả năng miễn dịch của mỗi người. Người cao tuổi, bị HIV, đang dùng thuốc ức chế miễn dịch (bệnh nhân ghép tạng), sử dụng Glucocorticoid kéo dài..., có hệ miễn dịch kém. Những trường hợp này thường có mức độ bảo vệ từ vaccine thấp hơn hoặc suy yếu nhanh hơn.

4 nguyên nhân khiến nhiều người dù đã tiêm vaccine vẫn mắc COVID-19 - Ảnh 3

Theo đó, các chuyên gia khuyến cáo, bạn nên tiêm đủ 2 liều vaccine để bảo vệ sức khoẻ. Dù đã tiêm đủ, bạn vẫn cần tuân thủ nghiêm quy định của cơ quan chức năng, tuân thủ quy tắc 5K. 

"Hãy ăn uống đầy đủ để cơ thể khỏe mạnh, sống tích cực. Tập thể dục nhẹ nhàng thường xuyên và có ý thức phòng bệnh. Người có bệnh nền nên điều trị và theo dõi để tránh nguy cơ diễn tiến nặng. Cuối cùng, người dân cần liên hệ ngay với cơ sở y tế gần nhất khi có các triệu chứng nghi nhiễm hoặc yếu tố dịch tễ liên quan Covid-19. Việc này giúp bạn chẩn đoán xác định sớm, cách ly điều trị nhanh, theo dõi chặt để giảm và ngăn ngừa các nguy cơ bệnh nặng", TS Phạm Đức Hùng nói.

Teen nên ăn gì để tăng cường hệ miễn dịch? - Ảnh 1

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết 4 nguyên nhân khiến nhiều người dù đã tiêm vaccine vẫn mắc Covid-19 tại chuyên mục Góc nhìn của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Góc nhìn khác

Lịch nghỉ hè 2024 của học sinh 63 tỉnh thành

Hầu hết các địa phương tổ chức bế giảng năm học 2023 - 2024 trước ngày 31/5 và cho học sinh nghỉ hè bắt đầu từ 1/6. Tùy thuộc thời gian bế giảng sớm hoặc muộn hơn, cuối tháng 5, các trường sẽ cho học sinh nghỉ hè.