Theo một báo cáo được công bố trên tạp chí Trends in Ecology & Evolution, các nhà khoa học đã phát hiện ra sự thay đổi về hình dáng ở nhiều loại động vật máu nóng. Cụ thể, chúng thay đổi bộ phận mỏ, chân và tai. Nguyên nhân được xác định là do thời tiết quá nóng, chúng cần thay đổi để thích nghi.
Khi nhiệt độ lên cao, chim dùng mỏ và động vật có vú dùng tai để tỏa nhiệt. Trước đây, một số sinh vật sống ở nơi có khí hậu nóng thường có mỏ hoặc tai lớn, giúp chúng thoát nhiệt dễ dàng.
Nếu không kiểm soát tốt nhiệt độ cơ thể, chúng có thể bị tử vong vì nóng.

Nghiên cứu cụ thể trên loài chim, nhà nghiên cứu Sara Ryding thuộc trường Đại học Deakin nhận xét: “Việc thay đổi hình dạng ở các loại động vật có hai khả năng: một là do quá trình tiến hóa để tồn tại, hai là do động vật phải đối phó với biến đổi khí hậu. Tuy vậy, chưa có gì chắc chắn rằng sự thay đổi ấy có dẫn tới hậu quả sinh thái khác hay không và liệu tất cả các loài đều có khả năng thay đổi để tồn tại hay không".
Các nhà khoa học cũng thừa nhận rằng rất khó để xác định biến đổi khí hậu là nguyên nhân duy nhất khiến động vật phải thay đổi hình dạng. Nhưng qua quá trình nghiên cứu ở các khu vực địa lý và ở nhiều loài động vật khác nhau, họ phát hiện chúng đều biến đổi do khí hậu nóng lên.
Chẳng hạn, từ năm 1871 đến nay, một số loài vẹt Australia đã tăng kích thước cơ thể từ 4 - 10%, tỉ lệ thuận với nhiệt độ tăng trong mùa hè mỗi năm.
Hay nghiên cứu về một loài khác là chim họa mi ở Bắc Mỹ cũng cho thấy sự tương quan về kích thước cơ thể với sự khắc nghiệt của nhiệt độ trong môi trường lạnh giá.

Những con dơi ở vùng khí hậu ấm áp đã được chứng minh là đã tăng kích thước cánh.
Cũng theo báo cáo này, sự thay đổi hình dáng của các loài động vật sẽ còn tiếp diễn nếu khí hâu vẫn nóng lên: “Nhu cầu điều hòa nhiệt đối với cơ thể của động vật bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu. Nhiệt độ ngày càng cao khiến động vật phải thích ứng bằng cách tăng kích thước các bộ phận cơ thể, thay đổi hình dạng để dễ tản nhiệt hơn”.