Cốm Hà Nội: Thức quà làm bao người "khi đi thì nhớ, khi về thì thương"

Thạch Lam
Đã nói đến văn hóa ẩm thực của Hà Nội, không thể không nhắc đến cốm - thứ đặc sản của mùa thu Hà Nội, nó như một "gương mặt đại diện" cho những gì thân thương nhất.

Cốm vốn được biết đến là một trong những đặc sản của mùa thu Hà Nội. Mỗi khi có dịp đến nơi đây vào mùa thu, nhiều người sẽ dành thời gian để đi tìm mua cốm nhằm lưu giữ một điều gì đó rất riêng của thủ đô nghìn năm văn hiến. Cốm Vòng (cốm làng Vòng) Hà Nội thể hiện cái chất thanh lịch, mang đậm bản sắc của người dân nơi đây.

Cốm Hà Nội: Thức quà làm bao người
Cốm là một trong những đặc sản của mùa thu Hà Nội.

Theo các bậc cao niên kể lại, cốm làng Vòng đã có từ cách đây cả nghìn năm. Một hôm, khi sữa lúa bắt đầu đọng hình và bông lúa có thể uốn câu thì trời đột nhiên mưa lớn. Đê vỡ khiến nước sông tràn vào, nhấn chìm cả đồng ruộng. Khắp nơi mất mùa, nhân dân đói kém than khóc vang trời.

Tiếc nuối công sức bao tháng ngày chăm lúa của mình bị đổ xuống sông xuống biển, người dân liền ra ruộng lúa đã ngả rạp để mò lấy từng bông lúa non. Sau đó đem về rang khô ăn dần để chống đói. Thật không ngờ, thành phẩm sau khi rang lên không những cứu đói được cả làng mà còn có hương vị thơm ngọt, dẻo dẻo ăn rất lạ miệng.

Cốm Hà Nội: Thức quà làm bao người
Người dân nhộn nhịp mang lúa về làm cốm.

Từ đó, mỗi năm khi lúa bắt đầu tròn hạt, người dân làng Vòng lại ra cắt lúa về rang lên để ăn lai rai. Đây chính là món quà mà thiên nhiên ban tặng cho người nông dân. Mỗi một hạt cốm dẻo lại mang trong mình hương vị thanh mát của hương sữa non. Cùng với đó là mùi thơm đến độ chỉ cần đi qua một gánh cốm rong đã đủ ngửi thấy thứ mùi nhẹ nhàng, thanh tao.

Cốm Hà Nội: Thức quà làm bao người
Những bông lúa sau khi được tách ra sẽ đem đi rang.

Khi mà hương hoa sữa tỏa ra khắp các ngõ ngách báo hiệu mùa thu về cũng là lúc người ta rục rịch làm cốm. Làng Vòng lại trở nên nhộn nhịp hơn bao giờ hết. Người thì xát vỏ đãi trấu, người thì giã cốm có khi đến tận đêm khuya vẫn chưa nghỉ tay để kịp sáng sớm có cốm giao đến tận tay khách hàng.

Với những người sành ăn sẽ không bao giờ mua nhiều cốm mà chỉ mua từng chút một, khoảng 100 - 200g để nhâm nhi dần. Bởi độ dẻo của cốm chỉ giữ được trong tầm 1 ngày vì không có chất bảo quản nên muốn để lâu cũng khó. Có người thích ăn cốm đầu vụ vì nó đậm hương sữa lúa, hạt cốm khi ăn cũng non hơn hẳn. Nhưng có người lại thích cốm cuối vụ, vì lúc này hạt cốm mẩy hơn, mình dày và bùi.

Cốm Hà Nội: Thức quà làm bao người
Khi rang xong, hạt cốm được đem đi giã đến khi tách vỏ trấu rồi sàng sảy, loại vỏ, sau đó lại giã tiếp.

Trải qua biết bao biến động và phát triển, người dân không những biết làm ra hạt cốm thơm ngon mà còn biết làm cho nó thêm dẻo, thêm xanh, thêm thơm. Mùi cốm thơm một phần nhờ hương lúa, một phần nhờ lá dứa ướp màu và phần còn lại nhờ lá sen bọc xung quanh nên nó được ướp cả hương đồng gió nội vào từng hạt cốm.

Cốm Hà Nội: Thức quà làm bao người
Những hạt cốm thành phẩm được gói trong lá sen vừa giúp giữ độ ẩm vừa tạo hương thơm cho cốm.

Ngày nay, xã hội ngày càng phát triển, đời sống của người dân cũng được nâng cao. Chúng ta có điều kiện, cơ hội được thưởng thức nhiều món ăn ngon hơn. Nhưng sẽ thật đáng tiếc, nếu không còn nghe thấy tiếng rao bán cốm trên các con phố Hà Nội trong những ngày thu. Bên trong gánh hàng ấy là cốm - một món quà của lúa non.

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Cốm Hà Nội: Thức quà làm bao người "khi đi thì nhớ, khi về thì thương" tại chuyên mục Món ngon của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Món ngon khác

Độc đáo hương vị Tết cung đình

Tết này, chúng mình hãy cùng nhau đến thăm cố đô Huế - nơi còn lưu giữ dấu ấn của vương triều nhà Nguyễn, triều đại phong kiến cuối cùng của Việt Nam - để khám phá các loại bánh, mứt Tết đã xuất hiện trong ẩm thực cung đình xưa kia nhé!

Hương vị Tết xưa: Chua ngọt vị mứt me

Ngày nay, các món bánh, mứt, kẹo ngày Tết vừa đẹp về hình thức vừa phong phú về hương vị. Nhưng có một số món kẹo, mứt dân dã từ xa xưa vẫn không thể thiếu khi Tết đến xuân về trong mỗi gia đình.

Dẻo thơm chè lam xứ Đoài

Dịp Tết, nếu về xứ Đoài (vùng đất phía Tây Hà Nội), bạn sẽ được thưởng thức món bánh chè lam mộc mạc, dung dị nhưng đầy đủ hương vị: Thơm dịu của bột nếp, ngọt ngào của mật mía, cay nồng của gừng và bùi ngậy của lạc...