Sự đa dạng về sản vật và văn hóa của nơi đây đã góp phần tạo ra món ăn đặc trưng hấp dẫn: Lẩu mắm miền Tây.
Mắm là một thực phẩm không thể thiếu trong ẩm thực dân dã của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Mắm miền Tây rất đa dạng, nhưng để nấu lẩu mắm người ta thường chọn mắm cá linh và mắm cá sặc, bởi vì thịt cá ngọt, xương mềm. Khi chế biến, người ta sẽ nấu mắm cá cùng với nước dừa tươi, rồi rây lọc bỏ phần xương cá và đổ vào nồi nước dùng được hầm từ thịt và xương. Lúc này cho thêm củ ngải bún (một loại củ màu vàng có hình dáng như gừng, nghệ) đập giập, cùng với cà tím và mướp đắng đã sơ chế vào nước dùng, nêm nếm gia vị vừa ăn là hoàn thành nước lèo đặc trưng của lẩu mắm.
Sự thu hút của món lẩu mắm còn đến từ các nguyên liệu dùng để nhúng lẩu. Tùy theo sở thích của người thưởng thức và loại sản vật đặc trưng của từng vùng đất, mà nguyên liệu nhúng lẩu có thể là lươn, cá lóc, cá ba sa, tôm, mực, cá kèo… hay độc đáo hơn là cá hủn hỉn. Cá hủn hỉn là tên gọi chung của các loại cá con, cá nhỏ, như: cá lòng tong, cá bống, cá sặc… Bên cạnh đó, lẩu mắm được ăn kèm với nhiều loại rau đặc trưng của miền sông nước như: cù nèo, bông điên điển, bông so đũa, rau muống, bắp chuối bào, bông súng, rau nhút…, tạo nên một hương vị rất riêng.
Nếu có dịp ghé qua miền Tây, đừng quên thưởng thức lẩu mắm - món ăn gói trọn phong vị của xứ sở miệt vườn, vừa mộc mạc, dân dã vừa đậm đà, khó quên, bạn nhé!
Bài viết được đăng tải trên ấn phẩm Nhi Đồng, số 3 năm 2024, mời các bạn độc giả mua báo đón đọc nhé!
Còn nhiều bài viết hay, hấp dẫn, các câu chuyện thú vị đang chờ đón bạn khám phá tại ấn phẩm Nhi Đồng. Nếu bạn quan tâm có thể mua báo và đọc trực tuyến tại cửa hàng trực tuyến của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhé! |