Giải mã vệt sáng xanh neon khổng lồ kỳ lạ hiện diện trên mặt biển đêm suốt hàng trăm năm

Huệ Anh
Đêm xuống, bờ biển Somalia lại xuất hiện những dải sáng màu xanh neon khổng lồ kỳ lạ. Giới thuỷ thủ truyền tai nhau rằng đó là hiện tượng “ma chơi” khiến mọi người không ngừng đồn đoán.

Hàng trăm năm qua, giới thuỷ thủ vẫn truyền tai nhau về một hiện tượng kỳ lạ ở vùng biển Somalia. Cứ khi đêm xuống, một cảnh tượng kỳ quái đến rợn người lại hiện ra: nước biển biến thành một vệt sáng màu xanh neon khổng lồ. Họ đồn đại với nhau rằng, đó là hiện tượng “ma chơi” trên biển.

Câu chuyện này nhanh chóng lan ra nhưng chẳng mấy ai tin. Những người dân sống trên đất liền đều khẳng định các thuỷ thủ vì quá đói nên hoa mắt nhìn nhầm. Chúng ta phải thừa nhận với nhau rằng, nước biển cũng như nước ngọt, hoàn toàn trong suốt. Vậy ánh sáng xanh đó từ đâu ra? Bí ẩn này đã tồn tại suốt hàng trăm năm mà không có lời giải đáp.

Nhà văn Jules Verne – tác giả cuốn “Hai vạn dặm dưới đáy biển” đã gọi tên hiện tượng kỳ quái này bằng thuật ngữ “The Milk Sea” và nó thường xuất hiện tại vùng Ấn Độ Dương.

Ánh sáng xanh bất thường chụp từ vệ tinh có kích thước khổng lồ.

Đến năm 2005, nhóm các nhà khoa học của Tiến sĩ Steven Miller (Phòng thí nghiệm Nghiên cứu Hải quân ở Moterey, California, Mỹ) đã tiến hành nghiên cứu để giải mã hiện tượng The Milk Sea bí ẩn. Họ đã dùng dữ liệu thu thập từ các cảm biến vệ tinh để xác nhận hiện tượng được báo cáo năm 1995 bởi tàu buôn S.S.Lima ở phía tây bắc Ấn Độ Dương, từ đó tìm ra nguồn gốc của ánh sáng bí ẩn.

Theo đó, sau 15 phút di chuyển tại khu vực cách phía đông bờ biển Somalia 150 hải lý, con tàu đã chìm vào dải sáng xanh này. Diện tích của dải sáng lên tới 14,357km2 (tương đương với tiểu bang Connecticut của Mỹ) khiến con tàu như đang lướt nhẹ trên một dải mây xanh rực, cảnh tượng khá giống như trong các bộ phim hoạt hình và giống hệt nhưng gì mà tàu S.S.Lima ghi lại.

Như vậy, các nhà khoa học đã khẳng định một điều rằng, câu chuyện mà các thuỷ thủ thời trước truyền tai nhau là hoàn toàn có thật. Sau khi xét nghiệm mẫu nước biển, họ tìm ra nguyên nhân xuất hiện dải sáng là do sự hiện diện của loại vi khuẩn có khả năng phát quang sinh học tên là Vibrio Harveyi.

Hình ảnh dưới kính hiển vi của vi khuẩn phát quang Vibrio harveyi.

Chuyên gia hải dương học Hastings (Đại học Havard) cho rằng, loài sinh vật gây ra hiện tượng trên là tảo biển. Ban ngày chúng phát ra ánh sáng màu đỏ - nguyên nhân gây ra hiện tượng thuỷ triều đỏ nếu phát triển với số lượng quá lớn. Ban đêm chúng lại phát ra ánh sáng màu xanh neon, số lượng đông tụ hợp lại và chuyển động theo sóng nước nên gây ra hiện tượng ma quái trên.

Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu của Tiến sĩ Steven Miller đã phản bác lại điều này. Nếu khi tảo gây ra thuỷ triều đỏ phát ra tia sáng ngắn thì Vibrio Harveyi lại tạo ra loại ánh sáng mờ nhưng bền vững bởi chúng sử dụng hai chất trong phản ứng hoá học tạo ra ánh sáng là: Luciferin và Luciferase. Được biết, chúng phát quang để “tìm nhà”. Các loại cá bị thu hút bởi ánh sáng này sẽ nuốt chúng vào bụng, nhờ vậy mà vi khuẩn trôi vào ruột cá là đó là “ngôi nhà” yêu thích của chúng.

Thế nhưng, các chuyên gia vẫn đau đầu bởi đó mới chỉ là lý giải một phần của hiện tượng trên. Bản thân vi khuẩn phát quang ra ánh sáng khá mờ, để tạo được một dải sáng xanh rực như vậy thì cần đến hàng ngàn tỷ con tập trung lại với nhau. Nhưng tại sao chúng lại có mật độ dày bất thường như vậy thì chưa ai có thể giải đáp.

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Giải mã vệt sáng xanh neon khổng lồ kỳ lạ hiện diện trên mặt biển đêm suốt hàng trăm năm tại chuyên mục Ăn-Chơi của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Ăn-Chơi khác

"Bí kíp" nhận biết rắn có độc

Ở một đất nước nóng ẩm như Việt Nam, rắn bò vào nhà là chuyện không hiếm. Lúc đó, việc biết được con rắn ấy có độc hay không rất quan trọng. Vậy rắn độc và rắn không độc khác nhau ở điểm gì?