Hai người bạn

Chu Hải
TNTP - Nói bạn có tin không? Còn mèo nhà tôi còn lớn hơn tuổi của tôi đấy. Tôi bước vào tuổi mười lăm, nó đã chuẩn bị mười bảy tuổi!

Nhưng! Mắt nó đã mờ, tai nó đã lãng. Suốt ngày tôi chỉ thấy nó nằm ườn phơi nắng, đến bữa thì vào ăn cơm. Nó ăn không nhiều, chỉ một chút cá trộn với cơm, vậy là xong bữa. Mẹ tôi bảo: “Loài mèo không được trung thành với chủ như loài chó nhưng con mèo này lại không rời nhà mình vào những ngày khó khăn nhất. Một đời nó gắn bó trung thành, giờ đã đến lúc nó cần được nghỉ ngơi với tuổi già rồi!”.

Lớp tôi đón một thành viên mới, một đứa con gái đen nhẻm, đôi mắt lờ đờ phảng phất sự thiếu ngủ. Đến khi cậu ta được xếp ngồi xuống cạnh tôi, tôi nhận ra cậu ta rất giống một con mèo lười như vừa chui từ bãi rác nào đó. Da mặt cậu ta đen đen nhưng tôi không biết là do cháy nắng hay do hàng tầng bụi bặm, mồ hôi cáu lại lâu ngày. Không những vậy, ở khóe mắt cậu ta, tôi thoáng nhìn thấy hai cục rỉ mắt to bự. Quần áo cậu ta có nhiều vết ố vàng, tôi nghĩ đã tồn tại ở đó cả tuần nay rồi. “Đến con mèo nhà mình còn sạch sẽ hơn cậu ta gấp chục lần!” – Tôi thầm nghĩ.

*

Tôi không quá thân thiết với con mèo ở nhà. Có thể tôi hợp với một con mèo con mũm mĩm hơn. Hoặc cũng có thể con mèo nó không thích tôi. Nhưng nó lại rất quấn mẹ tôi.

Thật kỳ lạ, tai nó điếc vậy mà mỗi khi nghe tiếng bước chân của mẹ là cả đôi tai nó dựng lên, động đậy. Rồi nó sẽ chạy đến dụi đầu vào chân mẹ để mẹ bế nó lên, vuốt ve bộ lông của nó như một tấm áo cũ nhàu. Và lần nào cũng thế, khi ôm con mèo, mắt mẹ lại hướng về phía bàn thờ của ông nội. Tôi nhớ lại câu chuyện mẹ từng kể: Con mèo này vốn là do ông nhặt được ở dưới gầm cầu. Ngày đầu về, lông nó ướt nhẹp, bết lại, hai mắt toét nhèm, kêu không ra tiếng. Ấy vậy mà giờ nó đã mười bảy tuổi rồi. Ngày ông tôi mất nó cứ đi vòng quanh quan tài rồi ngồi bên cạnh mẹ trong suốt đêm chuyển cữu. Mọi người bảo, con mèo này sống có tình, có nghĩa!

Thật ra, nếu bỏ qua vẻ ngoài lôi thôi, Trang (tên cô gái ngồi cạnh tôi) cũng là một cô bạn dễ thương. Nhất là đôi tay cậu ấy, nó nhỏ nhắn trông thật xinh. Mỗi khi cậu ấy nắm tay, tôi thấy sao mà giống bàn chân con mèo khẽ quặp lại đến vậy?

Song có một sự thật từ trước đến giờ tôi vẫn không để ý: Trang chưa bao giờ để lộ lòng bàn tay của cậu ấy trước người khác. Cho đến một lần Trang sơ ý, tôi đã nhìn thấy lòng bàn tay ấy, một lòng bàn tay chằng chịt những vết sẹo, dày hơn nhiều những bàn tay khác vì chai sần. Khi bắt gặp ánh mắt ngỡ ngàng của tôi, Trang nhanh chóng hiểu nguyên do. Cậu ấy ngượng ngùng nắm chặt tay lại, đôi mắt thiếu ngủ hiện rõ vẻ bối rối.

Tuy nhiên, sự việc đó cũng không đọng lại trong tâm trí tôi lâu khi mà hằng ngày tôi luôn phải nhìn thấy bộ dạng mệt mỏi và ngủ gục trong lớp của Trang. Nhắc nhở, cảnh cáo… những hình phạt ấy dường như không đủ để ngăn cách cậu ấy với giấc ngủ. Một lần trong giờ Toán, tôi đã lay lay vai Trang:

- Này, cậu dậy đi, thầy đang xuống đấy!

Quả thực Trang có dậy, nhưng chỉ là hơi ngẩng đầu lên nhìn tôi bằng cặp mắt lờ đờ rồi sau đó cậu ấy lại gục xuống bàn. Giây phút ấy, tôi chợt hiểu, có lẽ tôi với Trang thật khó để có thể làm bạn.

*

Con mèo nhà tôi đã mất tích gần một tuần nay. Mẹ tôi nói: “Chắc nó đi thật rồi!”. Cũng có thể nó bị bọn trộm chó mèo bắt đi mất. Song không hiểu sao, tôi tin mẹ tôi và chính bản thân tôi cũng nghiêng về giả thiết đầu tiên hơn. Nói nghe có phần kỳ ảo nhưng tôi nghĩ, một con mèo sống tình nghĩa như nó, ra đi vì nghĩ bản thân đã quá già, không thể giúp gì cho chủ nữa nên quyết định đi chọn nơi để chết.

Nắng chiếu vàng ươm. Gió thổi cuốn theo những chiếc lá xà cừ bay xào xạc trên khoảng sân nhỏ. Hình như, vắng bóng con mèo, khoảnh sân nhà tôi rộng lớn hơn trước rất nhiều. Lòng tôi chợt trào lên cảm giác mất mát…

*

Ba ngày rồi Trang không đi học. Là lớp trưởng, tôi được lớp cử đến thăm cậu ấy.

Tôi lần theo địa chỉ ghi trên danh sách học sinh của lớp đến một căn nhà và không biết có nên gọi túp lều lúp xúp đó là nhà không nữa. Đang ngập ngừng, tần ngần đứng trước cửa thì đằng sau tôi chợt vang lên tiếng nói:

- Cháu tìm ai?

Tôi vội quay người lại, đối mặt với tôi là một người phụ nữ tuổi trạc năm mươi:

- Cháu chào bác! Cháu là lớp trưởng lớp 9A1, thay mặt cả lớp cháu đến thăm Trang!

Người phụ nữ tiến lên trước tôi, mở cửa:

- Cháu vào đây! Ngần ấy năm đi học, cháu là người bạn cùng lớp đầu tiên đến thăm Trang khi nó bị ốm.

Tôi bước vào căn nhà. Đúng như tôi đoán, bên trong căn nhà chẳng có gì đáng giá. Và trên chiếc giường con đặt ở góc tường, Trang nằm như lọt thỏm giữa đống chăn cũ cùng quần áo. Tôi nhẹ nhàng ngồi xuống mép giường của Trang, cầm lấy bàn tay cậu ấy. “Nóng quá! Như một hòn than vậy. Rốt cuộc, cậu đã đi làm những công việc gì vậy Trang?”

Mẹ Trang nhìn tôi, ánh nhìn gần gũi và ấm áp. Bác ấy chầm chậm kể như trải lòng mình: “Bác gặp Trang trong một đêm đi nhặt ve chai. Hà Nội khi đó đang là đầu đông. Thời tiết không đến mức rét cắt da cắt thịt nhưng cũng đủ để đứa trẻ sơ sinh quấn trong lớp tã mỏng phải thâm tím vì rét. Bác không có gia đình. Ngần ấy năm, bác coi Trang như con đẻ của mình. Cũng ngần ấy năm, Trang chưa một lần xin bác bất cứ điều gì. Gần hai năm nay bác yếu hơn, Trang lao đi làm thêm. Bác đã cản rồi. Một đứa trẻ chưa qua tuổi mười lăm, chẳng ai nhận đâu. Mà nếu người ta nhận làm cũng sẽ bị bóc lột quá sức. Vậy mà nó chỉ cười rồi bảo rằng: “Con muốn đỡ đần mẹ!”. Đấy, cứ gắng quá sức mỗi khi ốm cũng chẳng được thuốc men đến nơi đến chốn đâu! Tội cả hai mẹ con cháu ạ!”.

Tôi cầm chiếc khăn đã khô trên trán mang đi dấp ướt lau mặt cho Trang rồi gấp lại đặt lên trán cậu ấy. Nhìn Trang nhắm nghiền mắt trên giường, nhìn sang mấy vỉ paracetamon trên đầu giường… trong đầu tôi chợt lóe lên một ý nghĩ. Khi câu chuyện về Trang được kể trước tiên với mẹ, mẹ tôi hứa sẽ bàn với cô giáo để tặng Trang một kế hoạch bất ngờ.

Riêng tôi, khi đi mua thuốc cùng bộ quần áo mới cho Trang bằng số tiền tiết kiệm của mình, tôi cứ lẩm nhẩm: “Sống có tình nghĩa! Một cô bé mới mười lăm tuổi như Trang…”

*

Ngày Trang đi học trở lại, tôi cảm nhận rõ có sự đổi khác. Ngồi cạnh Trang, tôi thoáng thấy màu hồng trên má cậu ấy và một nụ cười, thầm kín lắm, nở trên môi.

Ngoài kia, nắng choàng lên sân trường một màu vàng ươm, gợi tôi nhớ đến khoảng sân có nắng, có gió với bóng một con mèo – hình như đã gắn bó thân thương như một người bạn, nằm sưởi nắng nơi góc sân…

Trần Thị Như Quỳnh

(K58 Văn học, Đại học KHXH&NV, Đại học Quốc gia Hà Nội)

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Hai người bạn tại chuyên mục Sáng Tác của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Chiếc giày lẻ

Lớp An có một bạn mới chuyển đến. Bạn ấy tên Tùng và nhà nghèo lắm. Hơn thế, Tùng chỉ ...

Dòng sông trong tim tôi

Dòng sông giống như dòng chảy của thời gian. Từ xa xưa, loài người đã có mối liên kết đặc ...

Bài Sáng Tác khác

Vị tướng đan sọt

- Mau tránh đường cho Đức Ông dẫn quân đi qua! Tay Phạm Ngũ Lão vẫn thoăn thoắt đan sọt, đầu nghĩ tới những chiến lược quân sự nên chàng không nghe thấy tiếng thét của quân lính.

Mùi của nắng

Nếu ai đó hỏi bạn: Mùi nắng có mùi gì? Bạn sẽ trả lời thế nào? Thật khó để nói rõ vì đây là một thứ mơ hồ không thể nói cho rõ. Mùi của nắng.

Tình yêu của bà

Mai được sinh ra ở đất nước xa xôi Hàn Quốc, 6 tháng tuổi về Việt Nam và từ đó dần lớn lên trong tình yêu của “người mẹ” mang tên BÀ NGOẠI.