Xe đạp điện mà... không phải xe đạp điện!
Ảnh minh hoạ
Khi đưa ra thị trường, nhà sản xuất chỉ khống chế tốc độ của xe đạp điện ở mức 25km/h, đảm bảo an toàn vận hành cho người điều khiển. Thế nhưng, bất chấp khuyến cáo và pháp luật, không ít “quái xế” – trong đó có những bạn ở lứa tuổi học sinh chúng mình sẵn sàng “độ/chế” xe, nhằm nâng tốc độ xe lên tới 40-45km/h. Điều này không chỉ gây nguy hiểm cho bản thân người sử dụng – cụ thể là độ văng rất mạnh nếu xảy ra va chạm (chưa kể nhiều người đi xe đạp điện cố tình không đội mũ bảo hiểm), mà còn tiềm ẩn các nguy cơ dẫn tới tai nạn giao thông, ảnh hưởng tới người đi đường khác.
Chưa kể, theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, có không ít loại xe đạp điện bán trên thị trường hiện nay không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, kết cấu khung, sườn, phanh không đảm bảo. Trả lời phỏng vấn một tờ báo điện tử uy tín, ông Nguyễn Tô An – Trưởng phòng Chất lượng Xe cơ giới cho biết: “Cả nước hiện có hơn 50 doanh nghiệp đăng ký sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu xe đạp điện, xe máy điện với Cục Đăng kiểm Việt Nam. Cục đã cấp chứng nhận chất lượng cho hơn 60 kiểu loại xe máy điện, xe đạp điện; Kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật cho hơn 54.800 xe đạp điện và hơn 37 nghìn xe máy điện sản xuất, lắp ráp trong nước và nhập khẩu. Số lượng xe không đạt tiêu chuẩn, xe nhập lậu, sản xuất lắp ráp chui chưa được Cục cấp giấy chứng nhận chất lượng là rất lớn.”
Nguồn tin trên cũng dẫn lời TS Hoàng Ngọc Sơn, Khoa phẫu thuật Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Việt Đức cho biết: Bệnh viện thường phải tiếp nhận các ca tai nạn giao thông do liên quan tới xe đạp điện, trong đó có không ít bạn nhỏ lứa tuổi chúng mình sử dụng loại phương tiện này bị chấn thương sọ não. Cụ thể, trường hợp của bạn N.H.L, 11 tuổi (trú tại Hà Nam) khi đi học bằng xe đạp điện, ngã xe, va vào một ô tô đi cạnh dẫn tới chấn thương sọ não nghiêm trọng.
Thương tâm không kém, ngày 14/5/2017 vừa qua, tại thôn Bất Trí, xã Nhân Hoà, huyện Quế Võ (tỉnh Bắc Ninh) đã xảy ra một vụ tai nạn nghiêm trọng giữa chiếc xe Camry do anh Phạm Tuấn T. điều khiển với các phương tiện giao thông khác. Vụ việc khiến 3 học sinh ngồi trên xe đạp điện tử vong, thông tin trên tờ Lao động.
Không thân thiện với môi trường?
Ảnh minh hoạ
Theo số liệu thống kê của Bộ Giao thông Vận tải, tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam có trên 2,5 triệu xe đạp điện, xe máy điện. Nhiều người lầm tưởng rằng, việc sử dụng xe đạp điện là giúp bảo vệ môi trường, giảm lượng khói bụi thải ra môi trường, nhưng thực tế không phải vậy?!.
Nguyên nhân được đưa ra như sau, nguồn gốc của xe đạp điện đang được sử dụng hiện nay chủ yếu nhập khẩu từ Trung Quốc. Xe đạp điện có 2 loại động cơ chính: một loại chạy bằng pin, còn một loại chạy bằng ắc quy.
Dù là pin hay ắc quy của xe đạp điện thì đều chứa một lượng chì rất lớn, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khoẻ con người, nếu nặng có thể gây ảnh hưởng tới sự phát triển của não bộ, gây suy thận, rối loạn hành vi, thậm chí tử vong. Chưa kể, quá trình tái chế, xử lý ắc quy sau sử dụng sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường. Ước tính, nếu Việt Nam có khoảng 1 vạn xe đạp điện thì sau khoảng 2 năm, có khoảng 3-4 vạn ắc quy chì phế liệu thải ra môi trường.
Như trường hợp của anh Nhật K., sinh viên năm thứ nhất – Đại học Văn hoá Hà Nội mới đây, hiện đang sử dụng một chiếc xe đạp điện thương hiệu Trung Quốc, mua với giá xấp xỉ 9 triệu đồng. Khi Hà Nội mưa lớn chỉ kéo dài vài giờ đồng hồ, xe của anh K. bị ngấm nước, dẫn đến chập điện, không thể hoạt động được. Thế mới biết, xe đạp điện không hề “tiện lợi” như chúng ta vẫn lầm tưởng.
Mời các bạn xem tiếp kỳ 2: Rùng mình nhìn học sinh "cưỡi" xe đạp điện trên phố vào ngày 5/9 tới.
Khả Ngân (Tổng hợp)