Theo đề xuất của UBND TP.HCM về cơ chế mở cho giáo dục, thành phố có thể sẽ triển khai thí điểm dạy học theo tín chỉ ở các trường THCS, THPT trên địa bàn.
Thông tin từ VTV.VN, chủ động về thời gian, chủ động lựa chọn môn học yêu thích là một trong những nội dung góp ý, bổ sung Luật Giáo dục do UBND TP.HCM trình Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội về việc thi hành Luật Giáo dục. Theo đề xuất cơ chế mở cho giáo dục TP.HCM, nếu học sinh có năng lực, thời gian học phổ thông có thể được rút ngắn lại, không nhất thiết phải học đủ 9 tháng trong một năm học như hiện nay. Hình thức học cũng linh hoạt, học sinh có thể chọn học một một buổi hoặc cả ngày, học tại trường hay học trực tuyến. Thời lượng giảng dạy cũng có thể thay đổi tùy trường học và môn học.
Ảnh minh họa (nguồn: Internet)
Nếu đề xuất được thông qua, trong năm học 2019 - 2020, Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM sẽ triển khai thí điểm dạy học theo tín chỉ ở những trường THCS, THPT có điều kiện trên nguyên tắc tự nguyện của phụ huynh, học sinh.
Báo Người lao động cho biết, theo Sở GD&ĐT TP HCM, hiện ở TP có nhiều loại hình trường: Chuyên, tiên tiến theo xu thế hội nhập và phổ thông đại trà. HS ở từng loại trường sẽ có trình độ khác nhau. Thế nhưng, bất cập nhất là tất cả HS ở các trường đều phải học cùng một chương trình, cùng một thời lượng, cùng một cách kiểm tra, đánh giá… Một HS có năng lực học tập tốt, chỉ cần 6 tháng để hoàn thành chương trình cho cả năm nhưng vẫn phải học đủ 9 tháng mới được công nhận. Cũng có những trường, những HS không cần nghỉ hè 3 tháng như hiện nay mà rút ngắn lại.
PGS.TS Nguyễn Thiện Tống (nguyên giảng viên Trường ĐH Bách khoa TP HCM) cho biết những đề xuất của TP HCM rất đáng hoan nghênh và kịp thời bởi trên thế giới, nhiều quốc gia đã thực hiện: "Nếu thành hiện thực thì giáo dục TP HCM sẽ có thêm nhiều điều kiện để phát triển, góp phần quan trọng trong công cuộc đổi mới giáo dục".
Theo phân tích của PGS.TS Tống, với việc đào tạo theo hệ thống tín chỉ ở bậc phổ thông sẽ tạo điều kiện linh hoạt trong học tập của HS. Tùy theo điều kiện, khả năng HS có thể hoàn thành các tín chỉ sớm hay muộn. Như vậy, những HS giỏi có thể học nhanh hơn, đủ điều kiện thì tốt nghiệp. "Nhân đây, tôi cũng muốn đề xuất những HS giỏi, tài năng có thể ghi danh một số tín chỉ ở bậc ĐH nếu các bạn muốn. Và khi lên ĐH, các trường ĐH có đào tạo ngành nghề liên quan phải chấp nhận những tín chỉ này. Việc công nhận tín chỉ cũng nên mở ra ở hệ nghề để tạo điều kiện cho nhiều đối tượng khác" - PGS.TS Nguyễn Thiện Tống đề xuất.
Minh Anh (tổng hợp)