Kết quả đánh giá của học sinh Việt khá cao nhưng chưa được đưa vào bảng xếp hạng quốc tế PISA

Ngọc Hà
Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) vừa công bố kết quả đánh giá học sinh quốc tế theo chương trình PISA. Việt Nam chưa được đưa vào bảng so sánh với các nước như những chu kỳ trước.

Ngày 3/12/2019, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đã công bố kết quả đánh giá học sinh quốc tế PISA 2018 tại 79 quốc gia, vùng lãnh thổ. Lần công bố này có một số điểm đặc biệt hơn so với các kỳ đánh giá trước mà Việt Nam tham gia.

Thông tin tóm tắt về kết quả PISA 2018 trên bảng kết quả của OECD công bố cho thấy, Đọc hiểu - lĩnh vực trọng tâm của chu kỳ 2018, Việt Nam đạt 505 điểm, điểm số cao thứ 13/79 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia (chu kỳ 2012 đứng thứ 19/65; chu kỳ 2015 đúng thứ 32/70). Lĩnh vực Toán học, Việt Nam đạt 496 điểm, điểm số cao thứ 24/79 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia (chu kỳ 2012 đứng thứ 17/65; chu kỳ 2015 đứng thứ 22/70). Lĩnh vực Khoa học, Việt Nam đạt 543 điểm, điểm số cao thứ 4/79 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia (chu kỳ 2012 đứng thứ 8/65; chu kỳ 2015 đứng thứ 8/70).

Thế mạnh của học sinh Việt Nam bước đầu được tìm thấy trong báo cáo của PISA là ở tinh thần thái độ tích cực làm bài, tỷ lệ có mặt tham gia cao, tỷ lệ trả lời hết các câu hỏi thuộc nhóm cao nhất thế giới. Qua câu hỏi ở cuối đề thi về việc tự đánh giá nỗ lực của bản thân khi làm bài, hầu hết học sinh Việt Nam đánh giá mình đã làm bài thi PISA với nỗ lực cao nhất. Với câu hỏi này, học sinh Việt Nam đạt mức nỗ lực cao nhất là 9,9/10.

Về thời gian làm bài, nhiều học sinh ở các nước đã phải bỏ một số câu hỏi khi kết thúc thời gian ở cuối mỗi phần thi. Tỷ lệ các câu hỏi không làm được là trên 15% ở các nước Peru, Panama và Argentina và tỷ lệ này nằm trong khoảng từ 10% đến 11% đối với Brazil, Cộng hòa Dominican và Morocco. Tỷ lệ các câu hỏi không làm được đối với học sinh Việt Nam là nhỏ nhất (0,1%), tiếp theo là Bắc Kinh - Thượng Hải - Giang Tô - Chiết Giang (Trung Quốc), Hàn Quốc và Đài Bắc (Trung Quốc) với tỷ lệ từ 1,1% đến 1,3%.

Tuy nhiên với 2 lý do chính sau đây khiến Việt Nam không được OECD đưa vào bảng xếp hạng toàn cầu. Thứ nhất, theo Bộ GD&&ĐT, tổ chức OECD mong muốn dữ liệu của Việt Nam sang năm 2020 mới công bố, họ muốn nghiên cứu thêm về sự khác biệt của Việt Nam, Nhưng nhờ sự phối hợp tích cực từ phía Việt Nam nên tới tháng 9/2019 OECD đã đồng ý công bố kết quả của Việt Nam cùng với các nước khác trong năm nay. Tuy nhiên thời điểm đó công tác so sánh giữa các nước đã gần như hoàn thành, nếu đưa Việt Nam vào phân tích dữ liệu thì việc công bố sẽ không kịp kế hoạch ban đầu.

Thứ hai, số liệu thu được của Việt Nam không phù hợp (misfit) với mô hình lý thuyết hồi đáp câu hỏi, mức độ không phù hợp cao hơn so với các quốc gia khác, có sự khác biệt lớn với mô hình đánh giá của OECD.

Việt Nam tham gia PISA từ chu kỳ 2012 với chỉ số GDP thấp nhất trong các quốc gia tham gia PISA (2009, thu nhập bình quân trên đầu người của Việt Nam được hơn 1000 USD/năm, thấp thứ 69/70 quốc gia và vùng lãnh thổ). Kỳ thi PISA được tổ chức 3 năm/lần. Tuy nhiên, với quyết tâm của Chính phủ và Bộ Giáo dục và Đào tạo, Việt Nam đã tham gia PISA chu kỳ 2012, bắt đầu triển khai từ 2010.

Các chu kỳ trước đây, Việt Nam đã có những kết quả rất đáng khen ngợi như năm 2012, Việt Nam xếp thứ 8 về Khoa học, thứ 17 về môn Toán và thứ 19 về môn Đọc hiểu trong số 65 quốc gia và vùng kinh tế. Đặc biệt, kết quả PISA 2012 của Việt Nam đã cao hơn nhiều nước có nền giáo dục phát triển như Anh, Pháp, Mỹ… Năm 2015, Việt Nam xếp thức 8 trên tổng số 2 quốc gia tham gia đánh giá.

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Kết quả đánh giá của học sinh Việt khá cao nhưng chưa được đưa vào bảng xếp hạng quốc tế PISA tại chuyên mục Góc nhìn của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Góc nhìn khác

Lịch nghỉ hè 2024 của học sinh 63 tỉnh thành

Hầu hết các địa phương tổ chức bế giảng năm học 2023 - 2024 trước ngày 31/5 và cho học sinh nghỉ hè bắt đầu từ 1/6. Tùy thuộc thời gian bế giảng sớm hoặc muộn hơn, cuối tháng 5, các trường sẽ cho học sinh nghỉ hè.