Khám phá mâm cỗ Tết cổ truyền 3 miền để thấy ẩm thực Việt tinh tế như nào

Ngọc Lam
Mỗi dịp Tết đến xuân về, nhà nhà lại tất bật chuẩn bị mâm cỗ Tết cổ truyền để cúng tổ tiên và những mâm cỗ đó đều chứa đựng giá trị thiêng liêng riêng.

Tết cổ truyền là dịp để các thành viên trong gia đình đoàn tụ, quây quần bên nhau sau một năm làm việc vất vả. Trong văn hóa của người Việt, những việc làm trong dịp đầu năm luôn có sự tác động đến kết quả của năm đó. Chính vì thế, mâm cỗ Tết cổ truyền không chỉ thể hiện sự tri ân đến ông bà, tổ tiên mà còn là sự sắp xếp, bày biện đủ món mang ý nghĩa cầu mong một năm mới sung túc, ấm no.

Tuy nhiên, trong mâm cỗ Tết ở mỗi vùng miền Việt Nam lại có sự khác nhau. Điều này phụ thuộc vào văn hóa, địa lý của từng vùng miền. Hãy cùng khám phá mâm cỗ Tết 3 miền để thấy ẩm thực Việt tinh tế đến cỡ nào nhé!

Mâm cỗ Tết miền Bắc

Theo truyền thống, mâm cỗ miền Bắc thường cầu kỳ hơn cả. Nếu trong gia đình ít người cũng phải có đủ 8 món đựng trong 4 bát và 4 đĩa (tượng trưng cho tứ trụ, 4 mùa và 4 phương). Với gia đình đông thành viên hơn thì mâm cỗ có thể lớn hơn, gồm 12 - 16 món để trong 6 bát, 6 đĩa hoặc 8 bát, 8 đĩa.

Khám phá mâm cỗ Tết cổ truyền 3 miền để thấy ẩm thực Việt tinh tế như nào - Ảnh 1
Mâm cỗ Tết miền Bắc.

Về các món ăn trong mâm cỗ thường có gà luộc, xôi gấc, bánh chưng, hành muối, nem (chả giò), giò thủ và thịt đông. Người miền Bắc lựa chọn các món ăn này vì giàu năng lượng, phù hợp với thời tiết lạnh ngày Tết. Tùy vào từng gia đình có thể gia giảm thêm một số món như bóng bì xào thập cẩm, canh măng, miến xào mề gà, nộm su hào,...

Với món tráng miệng, người miền Bắc thường hay chuẩn bị mứt sen, mứt quất, mứt gừng, chè kho,... Những món ăn này đều được đặt trong những chiếc bát và chiếc đĩa nhỏ. Nhiều gia đình đầy đủ, có điều kiện sẽ thêm nhiều món ăn hiện đại hơn.

Mâm cỗ Tết miền Trung

Miền Trung với thời tiết khắc nghiệt và khí hậu đặc trưng nên nét văn hóa ẩm thực cũng có sự khác biệt. Mâm cỗ Tết thường đơn giản nhưng vẫn chứa đựng trong đó sự chân thành. Điều đó được thể hiện qua các món ăn chia thành từng đĩa nhỏ, mỗi thứ một ít bày biện trên chiếc mâm tròn.Với người dân miền Trung, trên mâm cỗ Tết cổ truyền không thể thiếu bánh tét, nem chua, thịt giấm.

Khám phá mâm cỗ Tết cổ truyền 3 miền để thấy ẩm thực Việt tinh tế như nào - Ảnh 1
Mâm cỗ Tết miền Trung.

Riêng ở Huế, các món ăn cho mâm cỗ cúng thường có tối thiểu 7 món. Theo nghệ nhân ẩm thực Mai Thị Trà, không tính gà luộc nguyên con, xôi, chè,... mâm cỗ thường gồm bánh chưng hoặc bánh tét, món hầm, thịt luộc tôm chua, tôm thịt rim, cá chiên, một món xào, dưa món. Bên cạnh đó, tùy vào điều kiện mỗi gia đình sẽ có thêm chả, nem chua, ram Huế, gỏi,...

Món tráng miệng khá giống với miền Bắc khi có mứt gừng, mứt dừa, mứt bí đao, mứt khoai lang,... và các loại bánh ngọt. Điểm khác biệt là phần lớn bánh ngọt (trừ bánh tổ, bánh bó, bánh gừng) đều được sấy khô nên bảo quản rất lâu, có khi hết tháng Giêng vẫn không hỏng.

Mâm cỗ Tết miền Nam

Những món trong mâm cỗ Tết ở miền Nam thường có bánh tét, canh khổ qua nhồi thịt và thịt kho hột vịt. Bởi theo quan niệm của người dân nơi đây, ăn canh khổ qua để "cái khổ đi qua", xua tan điều không tốt trong năm cũ.

Món thịt kho hột vịt với miếng thịt vuông, quả trứng tròn tượng trưng cho trời đất tròn vuông, năm mới trọn vẹn, đầy đủ. Còn bánh tét thì tương tự như bánh chưng ở miền Bắc nhưng được gói thành hình tròn. Bánh tét có nhiều loại nhân như đậu xanh và mỡ, nhân chuối, nhân thập cẩm, nhân đậu xanh trứng vịt muối và nếp.

Khám phá mâm cỗ Tết cổ truyền 3 miền để thấy ẩm thực Việt tinh tế như nào - Ảnh 1
Mâm cỗ Tết miền Nam.

Ngoài ra, mỗi gia đình lại biến tấu thêm các món ăn khác như gà xé phay, tôm khô củ kiệu, chả giò chay - mặn,... Cùng với các món ăn mặn thì sẽ có các loại mứt (dừa, me, gừng, mãng cầu, củ năng, chùm ruột) và hạt dưa để mọi người ăn tráng miệng.

Ngày nay, Tết đã có thêm rất nhiều món ăn khác cũng ngon và đẹp không kém. Dẫu vậy, mâm cỗ Tết cổ truyền vẫn được các gia đình duy trì, là điều vô cùng quan trọng và không thể thiếu. Mỗi miền sẽ có một mâm cỗ Tết khác nhau nhưng trong đó luôn chứa đựng sự hài hòa giữa các món ăn, mang đến nét đặc trưng riêng và không kém phần ý nghĩa. Tết này, bạn hãy cùng mẹ vào bếp chuẩn bị các món ngon cho gia đình mình nhé!

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Khám phá mâm cỗ Tết cổ truyền 3 miền để thấy ẩm thực Việt tinh tế như nào tại chuyên mục Món ngon của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Món ngon khác

Độc đáo hương vị Tết cung đình

Tết này, chúng mình hãy cùng nhau đến thăm cố đô Huế - nơi còn lưu giữ dấu ấn của vương triều nhà Nguyễn, triều đại phong kiến cuối cùng của Việt Nam - để khám phá các loại bánh, mứt Tết đã xuất hiện trong ẩm thực cung đình xưa kia nhé!

Hương vị Tết xưa: Chua ngọt vị mứt me

Ngày nay, các món bánh, mứt, kẹo ngày Tết vừa đẹp về hình thức vừa phong phú về hương vị. Nhưng có một số món kẹo, mứt dân dã từ xa xưa vẫn không thể thiếu khi Tết đến xuân về trong mỗi gia đình.

Dẻo thơm chè lam xứ Đoài

Dịp Tết, nếu về xứ Đoài (vùng đất phía Tây Hà Nội), bạn sẽ được thưởng thức món bánh chè lam mộc mạc, dung dị nhưng đầy đủ hương vị: Thơm dịu của bột nếp, ngọt ngào của mật mía, cay nồng của gừng và bùi ngậy của lạc...