Tôi và mẹ (Ảnh: NVCC)
Mẹ không phải là một nữ bác sĩ nào đó cứu sống cho hàng trăm ngàn bệnh nhân. Mẹ không phải là một cô hoa hậu vạn người mê chỉ vì có sắc đẹp và cách ứng xử thông minh. Mẹ càng không phải là một vị doanh nhân nổi tiếng nào đó kiếm mỗi tháng thật nhiều tiền…, nhưng chính mẹ mới là người con ngưỡng mộ và tôn thờ nhất trên đời! Mẹ đã đưa con đến cuộc đời này, vượt qua những thứ tưởng chừng như không thể, và thế là mẹ bước lên bục cao nhất trong trái tim con, trở thành một hình mẫu, một biểu tượng của sự mạnh mẽ, không chịu khuất phục hay đầu hàng trước khó khăn!
Ngày 6 tháng 5 năm 2013
“Mẹ ơi!” Hôm nay đi học về, con vô tình đã thốt lên như vậy, giống như thường ngày… Chỉ tiếc là, mẹ đã không thể ở đây để đáp lại con ngay vào lúc này. Ba gọi điện ra nói đã đưa mẹ nhập viện, còn dặn con ăn uống đàng hoàng, rằng đừng lo cho mẹ, mẹ vẫn có thể chịu đựng được! Con đòi gặp mẹ thì ba lại bảo mẹ đang ngủ rồi cúp máy!
Nhưng con biết hết mẹ ạ! Con biết bác sĩ nói mẹ đã suy tim rất, rất nặng. Con biết mẹ cần phải phẫu thuật gấp, “nếu muộn sẽ chết”. Con biết mẹ chỉ có 50% cơ hội sống. Vị bác sĩ đáng kính ấy còn nói nhiều điều hơn nữa phải không mẹ, nhưng con chỉ nghe lỏm từ bà và cô chừng ấy thôi! Chỉ chừng ấy thôi đã khiến con khóc hàng đêm liền, mẹ ạ! Ngoài khóc ra thì đứa con này còn có thể làm gì cho mẹ nữa nhỉ?
Ngày 17 tháng 6 năm 2013
Nay con vào thăm mẹ, lần đầu tiên sau khi mẹ nhập viện. Con đã thức suốt một đêm hôm trước vì lo nghĩ rằng mình sẽ biểu hiện gì trước mặt mẹ? Con có nên khóc một trận rồi ôm lấy mẹ, làm nũng mẹ như khi mẹ còn ở nhà không? Hay là con sẽ hôn lên tất cả chỗ đau của mẹ, những chỗ kim truyền chọc vào da mẹ để mẹ bớt đau nhỉ? Nhưng khi con bước vào phòng bệnh ngập một mùi thuốc khử trùng ấy, con đã không nhận ra mẹ của mình. Làm sao có thể nhận ra khi cả người mẹ chỉ còn lại ba mươi kí tròn? Làm sao con có thể nhận ra khi hai tay mẹ chỉ toàn kim truyền và vết thâm tím. Mẹ đã yếu đến nỗi chỉ trở mình còn phải nhờ người khác. Gương mặt của mẹ không phải là mẹ của con nữa, đó là gương mặt của một bệnh nhân từng giờ từng phút chờ lưỡi hái của tử thần... Mẹ vừa thấy con liền che mặt lại, nhất quyết không cho con thấy khuôn mặt xám ngắt, hốc hác đến tội đó của mẹ. Lòng con như bị chính hàng ngàn mũi tiêm, mũi kim truyền trên người mẹ đâm vào, đau đến chết đi sống lại, mẹ ạ! Thế rồi con kiếm cớ, chạy vào phòng vệ sinh, khóc òa lên, khóc như chưa từng được khóc… Qua màn nước mắt con thấy ba như già đi chục tuổi. Mắt ba cũng đỏ hoe, ươn ướt. Ba bắt con không được khóc trước mặt mẹ, phải vui vẻ, phấn chấn lên để mẹ có hi vọng, dũng khí tiếp tục điều trị! Trong suốt những ngày sau đó ở cạnh mẹ, chứng kiến mẹ đau đớn, quằn quại trên giường bệnh, con cũng đã làm được điều đó, vẫn tươi cười đắp từng lát khoai tây lên chỗ vết tiêm của mẹ…
Ngày 31 tháng 7 năm 2013
Mong ước của một người trước khi đến ranh giới của sự sống và cái chết là gì? Đó là thứ con chưa từng nghĩ đến trước nay. Nhưng lần này, có lẽ con đã mường tượng ra điều đó. Ba không cho con đến trước khi mẹ lên bàn mổ. Ông sợ con sẽ suy sụp và khóc lóc, ảnh hưởng đến tâm lý của mẹ! Khi ở nhà, suốt 5 tiếng phẫu thuật, con chỉ biết quỳ trước bàn thờ, cầu mong cho tổ tiên phù hộ cho mẹ. Con tự hỏi: Nếu mẹ không còn trên cuộc đời này, con phải làm sao đây? Cứ cách một tiếng, con lại điện hỏi ba, đáp lại chỉ có “Đừng lo, mẹ không có chuyện gì đâu!”…
Ngày 3 tháng 8 năm 2013
Con đã nhìn thấy mẹ rồi! Con đã nhìn thấy rồi, thấy mẹ qua tấm cửa kính dày cộp trong phòng cách li sau mổ. Con đã khóc thật lớn, con đã áp mặt vào cửa kính ấy mà khóc. Khắp người mẹ, từ chân lên cổ đều là dây truyền dịch. Cô y tá khẽ chạm vào người mẹ rồi chỉ ra phía con. Qua lớp mặt nạ oxy, mẹ thì thầm điều gì đó, hai ngón tay giơ lên thành hình chữ V, như dấu hiệu của người chiến thắng. Con reo lên trong lòng “Mẹ giỏi lắm, mẹ tuyệt lắm. Con yêu mẹ!” Con biết chắc chắn là mẹ sẽ nghe thấy, đúng không mẹ?
Có thể mẹ không phải là một người phụ nữ xinh đẹp, quý phái, biết cách ăn mặc chưng diện. Thậm chí mẹ không hề có một chiếc váy, một bộ trang điểm phấn son. Mẹ mang áo nông dân, chân lội bùn đất sau nhà. Mẹ không hay nói từ hoa mỹ, không văn vẻ chải chuốt. Nhưng mẹ đối với con là tất cả. Mẹ còn hơn những gì từ “Mẹ” có thể diễn tả. Mẹ kiên cường đến nỗi, tử thần còn phải chịu thua. Mẹ tuyệt vời đến nỗi đã chiến thắng trò may rủi lớn nhất đời mình. Sau này, mỗi lần khó khăn nhất, con lại nhìn về phía mẹ, tự nhủ “Phải chiến thắng, phải chiến thắng giống như cách mẹ đã từng làm!”.
Mẹ có biết không, ngày hôm nay con gái sẽ gửi bài viết này đi, cho một cuộc thi viết rất tuyệt vời, cho những bạn đọc khắp nơi, cho bạn bè thân quen và cả những người chưa từng biết đến câu chuyện của mẹ. Thật tốt vì con vẫn có mẹ cạnh bên sau những ngày đen tối và tuyệt vọng đó. Thật tốt vì con có mẹ. Thật tốt vì trên chặng đường trưởng thành của con, mẹ vẫn luôn dùng ánh mắt hiền dịu nhất, ấm áp nhất, tựa như ánh mặt trời ngày mẹ tỉnh dậy trong phòng hồi sức để dõi theo con. Mẹ- idol to bự của con, cảm ơn và xin lỗi Người rất nhiều…
Ngô Thị Thu Huyền
Cuộc thi "MY IDOL - THẦN TƯỢNG TRONG TÔI" do Báo điện tử Thiếu niên Tiền phong tổ chức (từ 05/06 đến 05/07) là nơi để độc giả chia sẻ những cảm xúc, câu chuyện, kỷ niệm đáng nhớ của mình và thần tượng,...
Bài dự thi gửi về địa chỉ email: cuocthi@thieunien.vn.
Bài dự thi ghi rõ: Bài dự thi "My idol - Thần tượng trong tôi"
- Họ tên:
- Địa chỉ:
- Điện thoại:
- Đường link Facebook:
- Thí sinh được tham gia không giới hạn số lượng bài dự thi
- Thể loại: Bài viết (1 ảnh và tối thiểu 400 chữ, tối đa 1.500 chữ)
- Bộ ảnh kèm chú thích (3-10 ảnh, tối đa 200 chữ/ảnh)
- Bài video (tối thiểu 30 giây và tối đa 5 phút)
- Ngoài ra, Ban tổ chức cũng chấp nhận các dạng bài dưới dạng tranh vẽ (Vẽ chân dung mẹ, bà, cô giáo…v.v)
- Ảnh dự thi có thể chụp bằng máy ảnh, điện thoại di động hoặc các thiết bị kỹ thuật số khác. Bài ảnh và bài viết chưa từng đăng trên các báo, diễn đàn khác.
- Viết bằng tiếng Việt, có dấu, không viết tắt, không sử dụng teencode...
Xem thể lệ cuộc thi chi tiết tại đây.